Trong bối cảnh nhiều quốc gia như: Ấn Độ, UAE, Nga đang cấm xuất khẩu gạo, thị trường biến động nhanh và khó lường, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam liệu có thể nắm bắt cơ hội này để chiếm lĩnh thị phần toàn cầu?
Trong bối cảnh lo ngại nguồn cung sụt giảm tại các nước sản xuất lớn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã duy trì đà tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 21/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của nước ta đang ở mức 638 USD/tấn, cao hơn 10 USD so với gạo Thái Lan cùng loại. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam ở mức 623 USD/tấn, cao hơn nhiều so với gạo cùng loại của Thái Lan là 563 USD/tấn.
Trên thị trường nội địa, trong tuần kết thúc vào ngày 17/8, giá lúa gạo loại thường tại các ruộng đạt mức bình quân 7.850 đồng/kg, tăng 64 đồng/kg so với tuần trước đó. Mức giá cao nhất được ghi nhận tại An Giang với 7.900 đồng/kg.
Nhiều quốc gia lựa chọn “đóng cửa”
Những “cú shock” về nguồn cung toàn cầu hay mối đe dọa bất ổn an ninh lương thực sẽ khiến các quốc gia sản xuất ưu tiên và đảm bảo cho thị trường nội địa bằng cách “đóng cửa”. Điều này giống như hiệu ứng domino khiến việc tiếp cận nguồn cung thế giới trở nên khó khăn và đẩy giá cao hơn nữa.
Năm ngoái, khi cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukraine diễn ra, nguồn cung lúa mì từ Biển Đen gián đoạn cũng đã kéo theo việc Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì vào tháng 5/2022. Giá lúa mì ngay lập tức tăng gần 6% và sau đó đã thiết lập mức cao nhất trong gần 15 năm qua.
Lệnh cấm xuất khẩu gần đây của các nước sản xuất gạo lớn cũng góp phần làm trầm trọng hơn tình hình an ninh lương thực toàn cầu. Vào ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ra thông báo số 20/2023 cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo (non- Basmati) sau khi mưa gió mùa xuất hiện muộn ảnh hưởng đến mùa màng của nước này. Lệnh cấm đã tạo ra một cú sốc trên thị trường lúa gạo thế giới, và dấy lên lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu.
Hãng tin Reuters cho biết, Ấn Độ có thể sẽ phải gánh chịu tháng 8 khô hạn nhất lịch sử với nhiều khu vực rộng lớn nhận được lượng mưa ít ỏi do hiện tượng El Nino. Lượng mưa trong tháng 8 của nước này dự báo đạt mức thấp nhất kể từ năm 1901 có thể làm giảm năng suất cây trồng vụ hè, đặc biệt là lúa gạo. Điều này kéo giá lương thực nội địa của Ấn Độ lên cao buộc chính phủ nước này phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu.
Khoảng một tuần sau đó, các quốc gia khác như Nga, UAE cũng đã thông báo ngừng bán gạo ra nước ngoài. Bộ Kinh tế Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hôm 28/7 cho biết nước này sẽ ngừng xuất khẩu gạo trong vòng 4 tháng, áp dụng với tất cả các loại gạo. UAE cũng cấm tái xuất khẩu gạo được nhập từ Ấn Độ sau ngày 20/7.
Tại Nga, chính phủ nước này cho biết lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ duy trì đến hết năm nay, nhằm mục đích bình ổn thị trường nội địa. Tuy nhiên, gạo vẫn có thể được gửi ra nước ngoài với mục đích nhân đạo.
Khẳng định vị thế trên thị trường thế giới
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng Hóa Việt Nam cho biết: “Trong bối cảnh các quốc gia sản xuất lớn đồng loạt “đóng cửa”, Việt Nam đang nắm bắt cơ hội để có thể đẩy mạnh xuất khẩu, mang mặt hàng gạo nước ta tới nhiều quốc gia trên thế giới.”
Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, nước ta đã xuất khẩu 660.738 tấn gạo trong tháng 7, cao hơn 6,9% về lượng và 6,4% về giá trị so với tháng trước. Lũy kế trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của nước ta đạt mức 4,89 triệu tấn, cao hơn 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 7 tháng đầu năm, Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo nước ta nhiều nhất, chiếm 39,6% tổng khối lượng xuất khẩu của cả nước. Tiếp theo là Trung Quốc (14,7%) và Indonesia (12,3%). Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường khác trên thế giới như Ghana, Bờ Biển Ngà, Singapore, Mozambique, Đài Loan, Mỹ, Senegal, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile… “phủ sóng” gạo nước ta trên thị trường thế giới.
Giai đoạn cuối năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của nước ra nhiều khả năng vẫn sẽ được thúc đẩy bởi số lượng đơn hàng hàng tốt và giá cả ở mức cao.
Theo báo cáo Cung – cầu nông sản thế giới tháng 8, Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA đã nâng dự báo xuất khẩu gạo niên vụ 2022/23 của Việt Nam lên mức 7,9 triệu tấn, từ mức 7,5 triệu tấn được đưa ra trước đó. Sự điều chỉnh này đến từ dự đoán xuất khẩu sẽ được hưởng lợi sau lệnh cấm gạo phi basmati của Ấn Độ.
Ông Quang Anh nhận định: “Giá gạo toàn cầu nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức cao khi tình hình nguồn cung không quá khả quan như hiện tại. Để nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế ngành gạo Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần đặc biệt lưu ý đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế để hướng tới các thị trường giá trị cao hơn”.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv