Trong phiên giao dịch sáng ngày 19/04, giá đồng đảo chiều suy yếu sau phiên tăng trước đó, do đồng USD mạnh lên làm giảm lực mua.

Báo cáo thu nhập tăng vượt ước tính của một số ngân hàng lớn của Mỹ như JP Morgan, Wells Fargo và Bank of America đã cho thấy ngành ngân hàng vẫn đứng vững sau cuộc khủng hoảng vào tháng trước. Một mặt, điều này giúp xoa dịu tâm lý thị trường, mặt khác, khi những căng thẳng này giảm bớt, thị trường đang quay lại tập trung vào đáng giá triển vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Hiện các nhà đầu tư đang đặt cược 86.6% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới, theo CME FedWatch, nâng mức đỉnh lãi suất lên 5% - 5.25%. Điều này sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh của đồng USD và gây áp lực tới giá đồng.

Tuy vậy, dự báo đà tăng của đồng USD có thể không quá mạnh, do kịch bản Fed tăng 25 điểm cơ bản gần như đã được định sẵn, và các nhà đầu tư đang chuyển sang kỳ vọng Fed sẽ tạm ngừng tăng lãi suất sau khi tăng lần cuối trong phiên họp tháng 5.

Hơn nữa, sáng nay Anh công bố dữ liệu lạm phát tăng vượt ước tính đã thúc đẩy đồng bảng Anh tăng mạnh, điều này có thể cản trở đà tăng của đồng USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Anh tăng 10.1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt ước tính ở mức 9.8%, khiến thị trường lo ngại Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.

Về yếu tố cung cầu, hiện triển vọng nhu cầu tiêu thụ gia tăng tại Trung Quốc vẫn đang là động lực chính hỗ trợ cho giá đồng. Tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải đã giảm dần trong các ngày gần đây cho thấy nhu cầu tiêu thụ dần cải thiện trong mùa xây dựng cao điểm, tồn kho hôm nay đạt mức 79,781 tấn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv