Thành công tại thị trường “thử nghiệm”
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Singapore được nhìn nhận là thị trường “thử nghiệm” sản phẩm mới nhờ có sự đa dạng về sắc tộc, văn hóa, là nơi hội tụ cả văn hóa phương Đông và phương Tây.
Ngoài ra, Singapore không có tài nguyên thiên nhiên và phải nhập khẩu đa số hàng hóa tiêu dùng, vì thế cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này cũng sẽ dễ hơn.
Tiến sỹ Rodney Wee, Giám đốc điều hành Trung tâm “Asia Cold Chain” nhận định, Singapore là thị trường nhỏ nhưng đa dạng và có thể được coi là thị trường thử nghiệm cho hàng hóa Việt Nam trước khi xuất khẩu đi các nơi khác. Thực tế là Singapore từng là thị trường thử nghiệm của nhiều nước, nhiều hãng sản xuất lớn, kể cả Nokia hay Samsung. Nếu sản phẩm thành công, các hãng lớn này sẽ sản xuất hàng loạt, còn không sẽ dừng sản xuất.
Quảng bá hình ảnh vải thiều Việt Nam tại siêu thị FairPrice Xtra (Singapore). (Nguồn: TTXVN)
Vì vậy, “nếu các sản phẩm nông sản của Việt Nam, trong đó có trái vải thiều thành công tại thị trường Singapore thì hoàn toàn có thể xuất khẩu tới các thị trường khác, trước mắt là các nước ASEAN, với 600 triệu người tiêu dùng, và kế đến là các thị trường Ấn Độ, thị trường các nước Hồi giáo ở Trung Đông, hay bất kỳ nước nào khác”, ông Rodney Wee chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Singapore.
Sau hai năm có mặt tại thị trường Singapore, trái vải thiều của Việt Nam đã tìm được chỗ đứng vững chắc và chiếm được cảm tình của người tiêu dùng tại đảo quốc sử tử.
Nếu như năm 2020, trái vải chỉ được bày bán tại một số siêu thị của Tập đoàn FairPrice, thì năm 2021, trái vải Việt Nam đã xuất hiện trên toàn bộ 230 siêu thị của FairPrice để đáp ứng nhu cầu gia tăng của khách hàng. Vải thiều chỉ sau 2 năm đã vươn lên vào “Top 5” các sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Singapore.
Mặc dù khối lượng vải thiều Việt Nam vào thị trường Singapore vẫn ở con số khiêm tốn 60 tấn trong năm 2020 và dự kiến khoảng 100 tấn trong năm 2021 nhưng mức độ hưởng ứng của người dân vượt xa kỳ vọng của nhà nhập khẩu.
Giám đốc Andy Chang từ Tập đoàn FairPrice cho biết: “Chúng tôi đang thấy có sự chào đón ngày càng tăng với các sản phẩm từ Việt Nam, từ các sản phẩm lương thực như gạo, cho tới các sản phẩm tươi như trái vải thiều. Điều này bởi các khách hàng nhận thấy chất lượng và giá trị của các sản phẩm Việt Nam”.
Tập đoàn siêu thị FairPrice đã nhập khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam được hơn 10 năm và hiện cung cấp khoảng 15 loại sản phẩm tươi từ Việt Nam, trong đó có vải thiều, ổi, xoài, thanh long, dừa, bưởi Năm Roi và ớt. Với chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm, FairPrice sẽ tiếp tục lựa chọn và mở rộng các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam để cung cấp giá trị sản phẩm và sự đa dạng về lựa chọn cho các khách hàng.
Lối đi hình mẫu cho nông sản Việt?
Theo đánh giá của bà Trần Thu Quỳnh, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, trái vải thiều là câu chuyện thành công về cách thức làm tiếp thị, cách thức tiếp cận thị trường, về sự phối hợp giữa Bộ Công thương với các địa phương và có thể là hình mẫu cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Singapore nói riêng và các thị trường nước ngoài nói chung.
Đây là lần đầu tiên vải thiều Việt Nam có tem “QR Code” để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, một yếu tố rất quan trọng để khẳng định thương hiệu Việt. “Là người làm công tác phát triển thị trường nước ngoài, tôi rất mong bà con nông dân, các nhà xuất khẩu quan tâm và chú trọng hơn tới công tác đóng gói, bao bì, bảo quản, và đặc biệt là tem truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý, như đã làm với trái vải thiều”, bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh. 
Về cách thức quảng bá sản phẩm nông sản ở thị trường nước ngoài, bà Quỳnh cho rằng các mặt hàng của Việt Nam có lợi thế về giá, có lợi thế về chất lượng, tuy nhiên mức độ nhận diện của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung, cũng như trái vải thiều của Việt Nam nói riêng vẫn còn thấp.
Số lượng các bài viết cũng như các hình thức quảng bá các sản phẩm nông sản của Việt Nam bằng các ngôn ngữ nước ngoài thông dụng vẫn còn rất hạn chế và cần phải được khắc phục.
Từ góc độ nhà phân phối, anh Michael, quản lý tại siêu thị FairPrice Xtra tại Parkway Parade cho rằng, sản phẩm nông sản của Việt Nam như trái vải thiều hiện có giá thành rất cạnh tranh so với vải thiều của Trung Quốc.
Ngoài ra, vải thiều Việt Nam xuất khẩu thẳng từ nông trại sang Singapore, không sử dụng nhiều chất bảo quản, rất tươi ngon và sạch. Vải thiều Trung Quốc để được lâu hơn, nhưng rõ ràng sẽ không có lợi cho sức khỏe.
Vì vậy, để các sản phẩm nông sản Việt Nam có chỗ đứng vững chắc hơn, Việt Nam cần thúc đẩy quảng bá về “lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe”, không có chất bảo quản, được chăm sóc bảo đảm quy trình sạch, xuất khẩu trực tiếp từ nông trại tới siêu thị.
Người dân Singapore đang có thiên hướng ưu tiên sử dụng thực phẩm “sạch” hơn, vì thế đồ ăn và thực phẩm Việt Nam sẽ là lựa chọn hợp lý cho người dân nước này, anh Michael nhấn mạnh.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Singapore sẽ tìm cách bảo đảm an ninh lương thực và tự sản xuất là một xu hướng đang hình thành. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho nông sản Việt Nam.
Trước đây, Singapore chỉ tập trung vào các bạn hàng truyền thống nhưng gần đây với xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, mức độ nhận diện của các nhà nhập khẩu Singapore đã có sự quan tâm rõ ràng hơn với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, bà Quỳnh chỉ rõ.
Ngoài ra, Việt Nam và Singapore là hai nước duy nhất trong ASEAN có hiệp định thương mại tự do với Anh và Liên minh châu Âu (EU). Cả Việt Nam và Singapore đều đặt mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm có giá trị chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao.
Do Singapore không có nền nông nghiệp nên dù cố gắng cũng chỉ đáp ứng được tối đa từ 5-15% nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Để có thể xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến ra nước ngoài, Singapore sẽ rất cần nguồn nguyên liệu từ các nước có hiệp định thương mại tự do, đảm bảo nguyên tắc nguồn gốc xuất xứ.
Vì vậy, đây không chỉ là cơ hội lớn cho Việt Nam trong gia tăng thị phần xuất khẩu nông sản thô mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp Singapore cùng khai thác nguyên tắc nguồn gốc xuất xứ, cùng sản xuất tại Việt Nam trên cơ sở tận dụng các nhãn hàng của Singapore, mạng lưới bán hàng của Singapore đi sang các thị trường Việt Nam chưa có sự kết nối tốt.

Nguồn: LÊ DƯƠNG-THẾ VŨ/TGVN