• NÔNG SẢN

Thị trường nông sản đã trải qua một tuần giảm giá trầm trọng trong tâm lí đầy hoảng loạn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, phiên hồi phục vào cuối tuần trước đã phần nào gỡ lại mức giảm sâu của các mặt hàng.

Đậu tương kết tuần giảm 7.46%, về dưới mức kháng cự tâm lí 1400 cent/giạ và đánh dấu tuần giảm mạnh nhất của mặt hàng này trong 7 năm qua. Đồng Dollar tăng giá và dự báo thời tiết xuất hiện mưa vào cuối tuần là những yếu tố góp phần vào đà giảm của đậu tương. Bên cạnh đó, lực bán tháo khi giá phá vỡ các mốc hỗ trợ kĩ thuật quan trọng cũng khiến giá tiếp tục giảm sâu.

Dầu đậu tương là mặt hàng dẫn đầu xu hướng của thị trường nông sản trong tuần vừa qua với mức giảm mạnh nhất 13.23% về mức 58.12 cent/pound. Giá dầu cọ Malaysia liên tục giảm xuống là yếu tố chính tác động lên dầu đậu tương. Bên cạnh đó, chính sách mới về pha trộn nhiên liệu sinh học của tổng thống Joe Biden cũng góp phần vào 2 phiên giảm kịch sàn của mặt hàng này. Khô đậu tương giảm theo đà của đậu tương nhưng được hỗ trợ bởi mức giảm mạnh của dầu đậu tương nên kết tuần chỉ giảm 2.58%, về mức 373.4 USD/tấn.

Hợp đồng ngô tháng 7 kết tuần cũng giảm 4.27%, về mức 655.25 cent/giạ. Giá ngô đã trải qua phiên giảm kịch sàn 40 cent vào ngày thứ Năm chủ yếu do thời tiết thuận lợi hơn ở Midwest nhưng đã bất ngờ đảo chiều trong phiên cuối tuần do xu hướng mua hàng mạnh hơn ở châu Á.

Lúa mì đóng cửa giảm 2.64%, về mức 662.75 cent/giạ và là mặt hàng duy nhất lấy lại hoàn toàn mức giảm của phiên thứ Năm trong ngày cuối tuần. Quá trình gieo trồng và thu hoạch ở các khu vực sản xuất chính trên thế giới diễn ra thuận lợi là nguyên nhân lí giải cho mức giảm này bên cạnh đà chung của thị trường. Tuy nhiên, khi giá ngô ở tăng lên cao và kém cạnh tranh hơn, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở châu Á quan tâm hơn đến các đơn hàng lúa mì. Đây là yếu tố hạn chế đà giảm khiến giá lúa mì không giảm mạnh như các mặt hàng ngũ cốc khác.

  • NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

Giá Cà phê trên hai sàn đồng loạt lao dốc khi kết thúc tuần giao dịch vừa qua. Giá Arabica trên sàn ICE US tiếp tục đóng cửa với mức giảm 4.8% còn 149.9 cents/pound, giá Robusta trên sàn ICE EU giảm nhẹ 0.5% còn 1584 USD/tấn. Thị trường vắng bóng các tin tức cơ bản, và việc đồng USD mạnh lên có thể coi là yếu tố chính khiến cho lực bán mạnh mẽ trên thị trường hàng hóa cũng lan sang cả thị trường Cà phê. Tuy nhiên, rất có thể đây chỉ là một nhịp điều chỉnh giảm trong ngắn hạn trước khi thị trường quay trở lại xu hướng tăng.

Giá bông giảm mạnh gần 3% do áp lực chung từ mức giảm của nhóm nông sản. Thời tiết thuận lợi trong tuần vừa rồi. Lượng mưa lũy kế trong 1 tháng trở lại đây tại các vùng trông bông của Texas đang cao hơn đáng kể so với mức trung bình, cũng tác động tiêu cực lên giá.

Giá đường tiếp tục giảm rất mạnh hơn 6%, về mức thấp nhất trong vòng 2 tháng. Thời tiết thuận lợi trở lại ở các vùng gieo trồng mía đường chính của Brazil, Ấn Độ và Thái Lan vẫn là yếu tố chủ yếu gây sức ép lên giá trong tuần vừa rồi.

  • KIM LOẠI

Thị trường kim loại đóng cửa tuần với sắc đỏ bao trùm toàn bộ các mặt hàng. Giá Bạc giảm 7.73% còn 25.969 USD/ounce, giá Bạch kim cũng giảm tuần thứ 3 liên tiếp về 1041 USD/ounce, thấp hơn gần 10% so với giá tham chiếu cuối tuần trước. Việc FED thông báo chính sách thắt chặt tiền tệ có thể xảy ra sớm hơn dự kiến khiến cho đồng USD tăng mạnh và làm cho vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý bị suy yếu. Đồng thời, dòng tiền cũng được rút khỏi thị trường do các nhà đầu tư ưu tiên tiền mặt.

Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng giảm mạnh 8.59% còn 4.157 USD/pound, khi giới chức Trung Quốc thông báo sẽ bổ sung nguồn cung bằng lượng Đồng trong kho dự trữ quốc gia để để ổn định giá cả hàng hóa. Giá Quặng sắt có một tuần điều chỉnh sau thời gian tăng liên tục khi giảm 1.59% còn 206.81 USD/tấn. Ngoài ra, nhóm kim loại cơ bản cũng giảm do sức ép từ đà tăng của đồng USD.

  • NĂNG LƯỢNG

Giá dầu thô đóng cửa tăng 4 tuần liên tiếp, tuy nhiên mức tăng chủ yếu đến từ các phiên giao dịch đầu tuần. Đồng Dollar tăng kết hợp với lo ngại dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực đến giá dầu. Kết thúc tuần 18/6, dầu WTI tăng 1.03% lên 71.64 USD/thùng, dầu Brent tăng 1.13% lên 73.51 USD/thùng.

Giá dầu tăng trước đó nhờ việc các người đứng đầu các tập đoàn năng lượng cho rằng đạt 80-100 USD/thùng do khả năng thiếu hụt nguồn cung trên thế giới. Đặc biệt khi đà tăng sản lượng tại Mỹ bị hạn chế khi các công ty tập trung vào gia tăng lợi nhuận và không sẵn sàng gia tăng các giếng dầu, điều này sẽ giúp OPEC có thêm quyền lực để điều tiết thị trường.

Tuy nhiên, quyết định đẩy nhanh thời điểm tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp chính sách dẫn đến giá USD tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng, gây áp lực đến toàn bộ thị trường hàng hóa nói chung. Kết hợp khả năng dịch COVID-19 bùng phát trở lại bất chấp quá trình tiêm chủng vắc-xin diễn ra mạnh mẽ tại Anh, đà tăng của dầu bị cản trở.

Trong khi đó, giá xăng và khí tự nhiên đều giảm do tồn kho tăng liên tiếp kết hợp  với đồng USD tăng giá tác động tiêu cực của thị trường hàng hóa nói chung.

Nguồn: mxvnews.com