• NÔNG SẢN

Kết thúc phiên giao dịch 22/06, sắc đỏ áp đảo bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu. Chỉ duy nhất dầu đậu tương giữ được sắc xanh khi đóng cửa, nhưng với mức tăng không đáng kể, do áp lực bán lớn đặt lên toàn bộ nhóm nông sản.

Mặc dù các chất lượng mùa vụ ngô, đậu tương và đặc biệt là lúa mì vụ xuân của Mỹ đã giảm mạnh trong báo cáo Crop Progress tuần này, nhưng lượng mưa tương đối lớn được dự báo sẽ bao trùm toàn bộ Midwest trong 5 ngày tới, là nguyên nhân chủ yếu khiến giá các mặt hàng này đều giảm trong phiên hôm qua.

Đậu tương đóng cửa giảm khá mạnh 1.29% chủ yếu do lực bán kỹ thuật tại vùng kháng cự 1320 cùng với việc thời tiết được dự báo thuận lợi. Trong khi đó, Việc không xuất hiện thêm các chính sách cụ thể nào về việc hỗ trợ các nhà máy lọc dầu trong việc giảm tỉ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học bắt buộc, khiến cho giá tín dụng RIN đang tăng trở lại trong 2 ngày nay, là yếu tố quan trọng hỗ trợ giá dầu đậu giữ được sắc xanh và có thể tiếp tục tăng mạnh trong hôm nay.

Bên cạnh yếu tố thời tiết, kỳ vọng của thị trường về việc diện tích gieo trồng ngô sẽ tăng trong báo cáo cuối tháng Sáu này cũng là yếu tố gây sức ép lớn lên giá ngô trong phiên hôm qua, và qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến giá lúa mì. Lúa mì mở cửa cũng tạo gapup nhưng kết phiên đã giảm 1.5% bất chấp số liệu USDA cho thấy chất lượng lúa mì mùa xuân tốt – tuyệt vời giảm 10% trong tuần trước do hạn hán và thấp hơn 8% so với mức dự đoán của thị trường.

Theo hãng tư vấn nông nghiệp APK-Inform, giá xuất khẩu lúa mỳ đã mất 8 USD/tấn trong tuần qua do điều kiện thời tiết được cải thiện ở các quốc gia sản xuất chủ lực. Cơ quan giám sát lương thực Nga cũng cho biết, xuất khẩu lúa mỳ của nước này đã giảm 40% trong tuần trước, cho thấy nhu cầu lúa mì thế giới có dấu hiệu chững lại.

  • NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

Giá đường thô đóng cửa giảm mạnh trở lại trong phiên hôm qua, quay về mức thấp nhất trong vòng hai tháng sau khi hồi phục ngắn trong phiên đầu tuần. Các quỹ đầu cơ hiện đang giảm bớt vị thế mua ròng, khi nhu cầu vẫn đang chưa hồi phục. Mặc dù vậy, một nhà máy lớn tại Brazil đang có kế hoạch thay đổi chiến lược sản xuất trong mùa hè này để tăng sản lượng ethanol và cắt giảm sản lượng đường.

Thời tiết thuận lợi tại Brazil thời gian gầy đây tiếp tục gây sức ép lên giá cà phê Arabica, trong khi dịch bệnh bắt đầu giảm bớt ở Việt Nam và một số tỉnh thành mở cửa trở lại khiến giá Robusta cũng giảm tương đương.

Giá cacao tăng 0.76% nhờ sự suy yếu của đồng Dollar. Bờ Biển Ngà và Ghana đang có kế hoạch nêu đích danh các thương hiệu chocolate hàng đầu thế giới mà các nước này cho rằng không tuân thủ mức chi trả cho chương trình Đảm bảo Thu nhập đủ sống cho người nông dân.

  • KIM LOẠI

Diễn biến trái chiều lại quay trở lại với thị trường kim loại quý. Giá Bạc giảm 0.65% còn 25.857 USD/ounce, trong khi giá Bạch kim tăng 1.87% lên 1070.2 USD/ounce. Phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ về chính sách tiền tệ trong thời gian sắp tới cùng với sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán là yếu tố gây sức ép lên giá Bạc. Cụ thể, Chủ tịch FED cho biết sẽ không tăng lãi suất chỉ vì lạm phát cao, ám chỉ rằng tình hình lạm phát đang ở mức ổn định và không vượt quá kiểm soát, làm suy yếu vị thế trú ẩn của Bạc. Đối với thị trường Bạch kim, lực bắt đáy ở khu vực hỗ trợ 1030 USD là yếu tố chính đưa giá bật tăng trong phiên hôm qua.

Giá của cả hai mặt hàng kim loại cơ bản đều tăng. Giá Đồng tăng 1.1 % lên 4.23 USD/pound, còn giá Quặng sắt cũng đóng cửa với mức tăng 4% lên 204.74%.  Nhu cầu tiêu thụ cao là yếu tố hỗ trợ cho cả hai kim loại trong thời gian này. Dù sản lượng Đồng được dự báo tăng trong năm 2021, nhưng nhu cầu được dự đoán cũng sẽ tăng mạnh để phục vụ các ngành công nghiệp xanh. Đối với giá Quặng sắt, nhu cầu tiêu thụ cao và giới đầu cơ mạnh tay rót vốn vào thị trường là hai yếu tố chính hỗ trợ cho đà tăng.

  • NĂNG LƯỢNG

Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI giảm nhẹ 0.37% trong khi dầu Brent giảm 0.12% xuống 74.81 USD/thùng. Giá dầu giảm nhẹ sau phiên hôm qua khi có khả năng nguồn cung gia tăng trở lại. Giá dầu được hỗ trợ ngày hôm qua khi cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran có thể kéo dài đến sau tháng 8, do Tổng thống mới của Iran Ebrahim Raisi thể hiện lập trường cứng rắn với Mỹ.

Tuy nhiên, giá dầu nhanh chóng quay đầu giảm khi có thông tin cho biết các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ sẽ thảo luận về việc gia tăng sản lượng trong cuộc họp tuần sau ngày 1/7. Tuy nhiên, sự không chắc chắn trong các vòng đàm phán giữa Iran và Mỹ làm cho quá trình ra quyết định của OPEC trở nên phức tạp hơn. Do đó, thiếu hụt nguồn cung vẫn sẽ là vấn đề tủng hạn

Hôm qua Nhà Trắng đã thừa nhận sẽ khó đạt mục tiêu 70% người trưởng thành Mỹ tiêm ít nhất 1 liều trước Ngày Quốc khánh 4/7. Điều này dấy lên lo ngại nhu cầu nhiên liệu sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới.

Trong khi đó, giá khí tự nhiên tăng trở lại lên mức cao nhất trong 1 tuần, hưởng lợi từ đồng Dollar suy yếu và sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ tăng khi nắng nóng gia tăng. Theo Reuters, xuất khẩu sang Mexico tháng 6 đang ở mức 6.7 tỉ khối, vượt con số tháng 5.

Nguồn: mxvnews.com