Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/04, tất cả các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu được giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đồng loạt tăng điểm.

Giá đậu tương tăng 1.48% lên mức 1457.75 cents/giạ. Đà tăng của đậu tương chủ yếu chịu ảnh hưởng từ xu hướng chung của nhóm nông sản. Hiện tại, hoạt động thu hoạch đậu tương tại Brazil đang gần kết thúc, do đó điều kiện thời tiết sẽ không còn có ảnh hưởng tới chất lượng cây trồng. Tuy nhiên, lượng mưa lớn trong nửa sau của niên vụ đã không chỉ bù đắp cho các thiệt hại do gieo trồng muộn gây ra mà còn giúp cải thiện đáng kể năng suất cây trồng. Cụ thể, ngân hàng Rabobank vừa tăng dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2020/21 của Brazil lên mức 136 triệu tấn, so với mức 132.5 triệu tấn trong báo cáo trước và bằng với số liệu chính thức của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Trong khi đó, Cơ quan thống kê nông nghiệp bang Mato Grosso – IMEA cũng tăng nhẹ dự báo sản lượng đậu tương của bang Mato Grosso lên mức 35.74 triệu tấn. Hiện tại, thị trường đã chuyển sự quan tâm sang vụ mùa đậu tương mới bắt đầu tại Mỹ. Lo ngại về tác động của điều kiện thời tiết khô hạn tại khu vực Midwest lên năng suất cây trồng đã khiến bên bán trở nên thận trọng hơn và là yếu tố hỗ trợ giá.   

Dầu đậu tương tăng 2.36% lên mức 55.14 cents/pound, trong khi giá khô đậu tương tăng 0.83% lên mức 414.7 USD/tấn Mỹ. Bất chấp giá dầu thô giảm do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đà tăng của giá dầu cọ đã là yếu tố chính giúp lý giải cho mức tăng mạnh của giá dầu đậu tương. Trong khi đó, việc dầu đậu tương tăng mạnh đã là yếu tố tạo áp lực lên giá khô đậu tương và khiến khô đậu tương chỉ tăng nhẹ trong phiên hôm qua.

Giá ngô tăng 1.98%, lên mức 592.00 cents/giạ. Tại Brazil, việc Hãng tư vấn IHS Markit và Ngân hàng Rabobank đồng loạt giảm dự báo sản lượng ngô vụ 2 do điều kiện thời tiết khô hạn tại khu vực miền nam đã góp phần lý giải cho đà tăng của giá. Trong khi đó, thị trường cũng đang chuyển dần sự quan tâm sang vụ mùa ngô tại Mỹ, nhưng điều kiện thời tiết tại Mỹ cũng không khá hơn so với Brazil. Cụ thể, nhiều nơi trong khu vực Midwest vẫn đang phải đối mặt vào điều kiện thiếu độ ẩm với các mức độ nghiêm trọng khác nhau. Đây cũng đã là yếu tố “bullish” hỗ trợ cho đà tăng của giá ngô.

Lúa mỳ tăng 1.15% lên mức 661.25 cents/giạ. Trong hôm qua, giá lúa mỳ đã có lúc tiến tới vùng kháng cự 680 trước khi quay đầu giảm trở lại. Theo Commodity Weather Group, nhiệt độ lạnh tại vùng đồng bằng phía nam của Mỹ có thể gây thiệt hại khoảng 10% lúa mỳ HRW. Trong khi đó, nhiệt độ thấp tại khu vực Midwest cũng đang ảnh hưởng tới sự phát triển của lúa mỳ SRW, với rủi ro mất mùa cục bộ. Bên cạnh đó, 75% diện tích bang North Dakota, bang sản xuất lúa mỳ vụ xuân lớn nhất của Mỹ đang ở trong tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong khi gieo trồng lúa mỳ vụ xuân tại đây đang nhanh hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái làm gia tăng lo ngại về chất lượng của lúa mỳ tại đây và là yếu tố hỗ trợ đà tăng của giá.

Nguồn: mxvnews.com