Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/04, sắc xanh đỏ được chia đều trên bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu được giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Giá đậu tương tăng 0.98% lên mức 1436.50 cents/giạ, đánh dấu phiên tăng điểm thứ năm liên tiếp kể từ tuần trước nhờ ảnh hưởng từ đà tăng của giá ngô, điều kiện thời tiết tại khu vực Midwest và sự suy yếu của đồng Dollar. Dự báo thời tiết cho thấy khu vực Midwest của Mỹ đang nhận được ít lượng mưa hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng mưa ít hơn có thể khiến khu vực này khó có thể đạt được độ ẩm phù hợp cho hoạt động gieo trồng đậu tương vụ mới. Ở chiều ngược lại, thu hoạch đậu tương tại Brazil đã bắt kịp so với cùng kỳ năm ngoái sau một khởi đầu chậm. Trong khi đó, số liệu trong báo cáo Export Inspections cho thấy, giao hàng đậu tương đã thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường chủ yếu do khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn ở mức thấp cũng đã là các yếu tố “bearish” hạn chế đà tăng của giá.

Dầu đậu tương giảm 0.68% về mức 53.87 cents/pound, trong khi giá khô đậu tương tăng 1.21% lên mức 411.3 USD/tấn Mỹ. Trong phiên hôm qua, thông tin số ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu cọ và dầu đậu tương lớn nhất thế giới, tiếp tục tăng làm giảm kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ và tạo áp lực lên giá của hai mặt hàng này. Trong khi đó, đà tăng của giá đậu tương đã là yếu tố chính hỗ trợ cho đà tăng của giá khô đậu tương.

Giá ngô tăng 1.18%, lên mức 580.50 cents/giạ. Dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ lạnh sẽ đi qua khu vực đồng bằng và Midwest trong tuần này cùng với tuyết và mưa tại một số khu vực. Điều này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động gieo trồng ngô vụ mới tại Mỹ. Trong khi đó, tại Brazil, ngô vụ 2 tại vùng gieo trồng phía Nam đang phải đối mặt với điều kiện thời tiết khô ráo hơn, gây lo ngại về sự phát triển của cây trồng. Bộ Thương mại và Dịch vụ Ngoại giao Brazil (MDIC) cho biết, nhập khẩu ngô trong quý 1 năm nay của Brazil đã cao hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do sự tăng giá đột biến của giá ngô nội địa với lo ngại của thị trường về nguồn cung. Các yếu tố trên đều là những thông tin “bullish” hỗ trợ cho đà tăng của giá.

Lúa mỳ đóng cửa giảm nhẹ 0.19% về mức 653.75 cents/giạ. Bất chấp đà tăng của giá ngô và giá đậu tương, lực bán chốt lời sau khi đạt mức cao nhất trong 6 tuần đã là yếu tố chính tạo sức ép lên giá lúa mỳ. Bên cạnh đó, thông tin Ma-rốc đang xem xét áp dụng chính sách thuế nhập khẩu lúa mỳ mới nhờ sản lượng dự kiến ở mức cao đã là thông tin “bearish”, tạo áp lực lên giá. Ở chiều ngược lại, số liệu trong báo cáo Export Inspections cho thấy, giao hàng lúa mỳ của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 15/04 đã cao hơn so với tuần trước đó, và là yếu tố “bullish”, hạn chế đà giảm của giá.

Nguồn: mxvnews.com