Ngoại trừ lúa mỳ, các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT đều tăng điểm trong phiên hôm qua. Cụ thể:

Giá đậu tương đóng cửa tăng mạnh 1.72% lên 1416.25 cents/giạ. Trong hôm qua, các công nhân tại cảng Rosario sẽ bắt đầu một cuộc đình công trong 24 giờ, bắt đầu từ 6h sáng ngày thứ Sáu (theo giờ địa phương). Argentina là nước xuất khẩu số 1 thế giới về khô đậu tương và dầu đậu tương. Trong đó, 80% các mặt hàng nông sản của nước này đều được chuyển đi từ cảng Rosario, dó đó thông tin này đã có tính “bullish” hỗ trợ giá. Trong khi đó, Sở giao dịch Buenos Aires Exchange của Argentina (BAGE) duy trì chất lượng tốt – tuyệt của mùa vụ đậu tương ở mức thấp nhất kể từ đầu niên vụ cũng đã góp phần lý giải cho đà tăng của giá đậu tương. Về mặt kỹ thuật, lực mua tại vùng hỗ trợ xung quanh mức giá 1400 cũng là một yếu tố giúp đậu tương kết thúc phiên với sắc xanh.

Giá dầu đậu tương tăng 0.65% lên 53.87 cents/pound trong khi giá khô đậu tương tăng rất mạnh 2.44% lên mức 407.9 USD/tấn Mỹ. Hai mặt hàng này diễn biến cùng chiều với giá đậu tương. Bên cạnh đó, đà tăng của giá dầu thô và dầu cọ cũng đã là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu đậu tương.

 

Giá ngô tăng mạnh 2.06% lên mức 557.75 cents/giạ. Cũng giống với đậu tương, thông tin đình công tại Argentina cũng có tính “bullish” đối với giá ngô. Bên cạnh đó, Bộ nông nghiệp Mỹ cũng ghi nhận thêm đơn hàng 800,000 tấn ngô niên vụ 20/21 cho Trung Quốc trong hôm qua. Đơn hàng này đã đánh dấu bốn phiên mua hàng ngô liên tiếp của Trung Quốc kể từ đầu tuần này, nâng tổng doanh số bán hàng ngô sang Trung Quốc của Mỹ trong 4 ngày qua lên 3.9 triệu tấn. Việc Trung Quốc tiếp tục ký kết các đơn hàng mới bất chấp các lo ngại về khả năng bùng phát của dịch tả lợn châu Phi và mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc của chính phủ Trung Quốc đối với ngô trong sản xuất TĂCN cho thấy nhu cầu tiêu thụ ngô của nước này vẫn đang ổn định trong ngắn và trung hạn. Trung Quốc là nước nhập khẩu ngô lớn thứ 3 thế giới, do đó đây đã là thông tin “bullish” hỗ trợ giá.

Giá lúa mỳ giảm 0.56% xuống 627.00 cents/giạ. Đà tăng giá của đồng Dollar trong phiên hôm qua đã là yếu tố chính tạo áp lực lên giá lúa mỳ. Bên cạnh đó, dự báo thời tiết cho thấy mưa sẽ tiếp tục xuất hiện tại các khu vực gieo trồng của Nga và Ukraine trong cuối tuần này. Còn tại Mỹ, sự xuất hiện của những cơn mưa trong cuối tuần trước tại vùng đồng bằng phía nam cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng tại đây. Đầu tuần tới, mưa và tuyết sẽ xuất hiện tại một số khu vực gieo trồng lúa mỳ chính tại Mỹ. Các thông tin trên đều là các yếu tố “bearish” góp phần tạo sức ép lên giá.

Nguồn: mxvnews.com