Ngoại từ dầu đậu tương, các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT kết thúc phiên đầu tuần đều tăng điểm so với phiên cuối tuần trước. Cụ thể:

Giá đậu tương tăng 0.4% lên 1419.50 cents/giạ. Thông tin Hiệp hội các nhà sản xuất đậu tương Brazil (Aprosoja) dự báo sản lượng đậu tương trong năm nay của Brazil sẽ chỉ đạt 128.57 triệu tấn thấp hơn so với mức 134 triệu tấn trong báo cáo chính thức của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Tại Mỹ, trên các số liệu trong báo cáo Ép dầu của NOPA, các số liệu bao gồm sản lượng ép dầu, tồn kho dầu đậu tương và xuất khẩu khô đậu tương đều thấp hơn so với báo cáo tháng trước phản ảnh một thực tế là nguồn cung đậu tương tại Mỹ đang trở nên cạn kiệt. Brazil và Mỹ là hai nước sản xuất và xuất khẩu đậu tương lớn số 1 và thứ hai thế giới, do đó, việc giảm sản lượng tại Brazil và giảm tồn kho của Mỹ sẽ là yếu tố “bullish” hỗ trợ giá trong trung và dài hạn. Về mặt kỹ thuật, lực mua tại mức giá 1400 cũng đã góp phần hỗ trợ giá đậu tương.

Giá khô đậu tương tăng 1.67% lên mức 407.4 USD/tấn Mỹ trong khi giá dầu đậu tương giảm 0.49% về mức 55.09 cents/pound. Trong các phiên giá đậu tương biến động nhẹ, giá khô đậu tương và dầu đậu tương thường thể hiện diễn biến trái chiều. Đối với khô đậu tương, trong hôm qua giá khô đậu tương cũng đã chạm tới mức hỗ trợ quan trọng 400 trước khi bật tăng trở lại và đóng cửa với sắc xanh.

Giá ngô tăng 1.95% lên mức 549.50 cents/giạ. Sự trì hoãn gieo trồng ngô vụ 2 tại Brazil tiếp tục là yếu tố cơ bản hỗ trợ giá ngô. Trong khi đó, tại Nga, mức thuế 25 euros/tấn đối với xuất khẩu ngô chính thức có hiệu lực từ ngày hôm qua cũng khiến các nước nhập khẩu quay sang nguồn cung từ các nước khác trong đó có Mỹ. Trong báo cáo Export Inspections của Bộ Nông nghiệp Mỹ, giao hàng ngô trong tuần kết thúc ngày 11/03 cao hơn so với tuần trước trong bối cảnh bán hàng ngô của Mỹ đã đạt 90% mức mục tiêu xuất khẩu khi chỉ mới nửa niên vụ trôi qua. Các yếu tố trên đã góp phần lý giải cho đà tăng của giá ngô. Ở chiều ngược lại, mưa lớn dự báo sẽ xuất hiện tại một số khu vực gieo trồng tại Argentina giúp làm giảm lo ngại về khả năng cắt giảm năng suất ngô tại đây. Trong khi mưa cũng đang giúp cải tạo độ ẩm đất tại khu vực Midwest của Mỹ trước khi gieo trồng ngô vụ mới bắt đầu đã là các yếu tố “bearish” hạn chế đà tăng của giá.

Lúa mỳ tăng 1.02% lên 645.00 cents/giạ. Diễn biến của giá lúa mỳ có thể được lý giải phần nào bởi đà tăng của giá ngô do hai mặt hàng này có thể được sử dụng thay thế cho nhau trong sản xuất TĂCN. Bên cạnh đó, số liệu giao hàng lúa mỳ trong tuần kết thúc ngày 11/03 cao hơn so với tuần trước cũng đã góp phần vào đà tăng của giá lúa mỳ. Tuy nhiên, sản lượng lúa mỳ tại Ukraine dự kiến đạt mức kỷ lục trong niên vụ tới trong khi lúa mỳ tại Pháp được đánh giá ở mức tốt nhất trong nhiều năm đã là yếu tố hạn chế đà tăng của giá và sẽ tiếp tục tạo áp lực lên giá trong trung và dài hạn.

Nguồn: mxvnews.com