Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/04, tất cả các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng điểm. Cụ thể:

Giá đậu tương tăng 1.48% lên mức 1410.00 cents/giạ, bù đắp phần lớn mức giảm trong cuối tuần trước và đầu tuần này. Bên cạnh ảnh hưởng từ đà tăng mạnh của giá dầu đậu tương, gia tăng lo ngại đối với lạm phát tại Mỹ, và tình hình xuất khẩu tại các quốc gia Nam Mỹ cũng là yếu tố tác động đến giá. Sau khi số liệu lạm phát cao của Mỹ được công bố, các bên tham gia thị trường đã chuyển sang áp dụng chiến lược phòng hộ giá, điều này đã là yếu tố hỗ trợ giá đậu tương. Trong khi đó, tại Argentina, khả năng cao chính phủ nước này sẽ không có các biện pháp cắt giảm thuế xuất khẩu đậu tương trong bối cảnh họ vẫn phải đối mặt với suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19. Còn tại Brazil, Tổ chức xuất khẩu ngũ cốc Brazil  - ANEC vừa tăng dự báo xuất khẩu đậu tương trong tháng 4 của nước này lên 17.15 triệu tấn, sau khi việc vận chuyển các lô hàng mới đã bị trì hoãn trong hai tháng đầu năm nay.

Giá dầu đậu tương tăng mạnh 2.28% lên mức 54.24 cents/pound, trong khi giá khô đậu tương tăng 0.81%, lên mức 398.2 USD/tấn Mỹ. Việc OPEC và Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA)- đồng loạt tăng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong năm 2021, và tồn kho dầu thương mại của Mỹ giảm mạnh 5.9 triệu thùng trong báo cáo mới nhất của EIA đã khiến giá dầu thô tăng mạnh hơn 4%, từ đó hỗ trợ đà tăng của giá dầu đậu tương. Trong khi đó, đà tăng mạnh của giá dầu đậu tương tiếp tục tạo sức ép lên khô đậu tương khiến giá khô đậu tương không vượt trở lại được mức kháng cự tâm lý 400 và giảm trở lại vào cuối phiên.

Ngô đóng cửa tăng mạnh 2.41%, lên mức 594.00 cents/giạ. Cũng giống nhu đậu tương, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đang khiến cho việc chính phủ Argentina cắt giảm thuế xuất khẩu ngô trở nên bất khả thi. Trong khi đó, tại Brazil, Hãng tư vấn Agroconsult dự báo, sản lượng ethanol từ ngô trong niên vụ tới của nước này sẽ tăng lên mức 3.2 tỷ lít sau khi những nhà máy mới được xây dựng gần các khu vực gieo trồng chính. Điều này sẽ khiến nhu cầu thiêu thụ ngô tăng và là yếu tố hỗ trợ giá. Ở chiều ngược lại, trong báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), việc sản lượng ethanol trong tuần trước của Mỹ thấp hơn so với báo cáo trước đó và mức dự báo của thị trường đã cản lại đà tăng và khiến giá chưa chạm được vào mức kháng cự tâm lý 600.

Lúa mỳ tăng 2.90%, đóng cửa ở mức 648.00 cents/giạ và là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trong nhóm nông sản. Các yếu tố hỗ trợ đà tăng của giá lúa mỳ bao gồm tình hình thời tiết tại Mỹ, sự suy yếu của đồng Dollar và xu hướng chung của nhóm nông sản. Thời tiết tại các khu vực gieo trồng phía nam của Mỹ đã khá khô ráo trong tuần trước, và dự báo thời tiết cho thấy khu vực này sẽ khô ráo trở lại kể từ thứ bảy tuần này, làm gia tăng lo ngại về chất lượng của cây lúa mỳ được gieo trồng tại đây. Trong khi đó, đồng Dollar tiếp tục suy yếu, giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3, do nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ Mỹ giảm. Bên cạnh đấy, tình hình căng thẳng Nga – Ukraine cũng là yếu tố gây ra nhiều lo ngại cho thị trường và hỗ trợ mạnh cho bên mua, khi mà cả 2 nước này đều có những động thái gây hấn nhau.  

Nguồn: mxvnews.com