Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/04, ngoại trừ khô đậu tương, các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng điểm.

Giá đậu tương tăng 0.54% lên mức 1389.50 cents/giạ. Hải quan Trung Quốc cho biết, nhập khẩu đậu tương trong tháng 3 của nước này cao hơn 82% so với cùng kỳ năm ngoái, và quý I tăng 19%, cho thấy nhu cầu ổn định của Trung Quốc khi lợi nhuận ép dầu và kỳ vọng vào số đàn lợn phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, đà tăng mạnh của giá dầu đậu tương cũng đã là yếu tố góp phần hỗ trợ cho diễn biến của giá đậu tương. Ở chiều ngược lại, lo ngại về khả năng tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc đang khiến các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trở nên thận trọng hơn trong việc ký kết các đơn hàng mới. Cụ thể, điều này được thể hiện bởi việc tồn kho khô đậu tương hàng tuần của Trung Quốc tăng lên mức 797,900 tấn, cao hơn so với mức 477,000 tấn hồi cuối tháng 1, bất chấp một số nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu đầu vào trong hai tháng qua. Về mặt kỹ thuật, lực bán mạnh ở vùng kháng cự 1400 đã hạn chế đà tăng và đẩy giá giảm trở lại vào cuối phiên.

Giá dầu đậu tương tăng mạnh 3.07% lên mức 53.03 cents/pound, trong khi giá khô đậu tương giảm mạnh 1.72%, về mức 395.0 USD/tấn Mỹ. Việc giá dầu thô và giá dầu cọ đồng loạt tăng điểm trong phiên hôm qua đã có tác động tích cực đối với diễn biến của giá dầu đậu tương. OPEC đã điều chỉnh tăng nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm nay với kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế nhờ các chính sách kích thích kinh tế của chính phủ và việc triển khai vaccine Covid-19 trên thế giới trong cuộc họp hôm qua. Trong khi đậu tương biến động nhỏ hơn 1%, đà tăng mạnh của giá khô đậu tương đã tạo sức ép trái chiều lên giá khô đậu tương, kết hợp với lực bán kỹ thuật ở vùng giá tâm lý 400, đã khiến giá giảm rất mạnh ngay khi vừa mở cửa phiên Mỹ.

Ngô đóng cửa tăng mạnh gân 2%, lên mức 580.00 cents/giạ. Yếu tố chính hỗ trợ giá ngô trong phiên hôm qua là những lo ngại về tác hạt của hạn hán tại Brazil đối với ngô vụ 2. Tuy hoạt động gieo trồng đã kết thúc tại đây, nhưng việc hơn 30% diện tích được gieo hạt sau khung thời gian lý tưởng và thời tiết khô hạn trong thời gian qua đã gia tăng lo ngại của thị trường về năng suất. Cụ thể, Cơ quan thống kê nông nghiệp bang Mato Grosso – IMEA vừa giảm dự báo sản lượng ngô niên vụ 2020/21 tại bang Mato Grosso xuống còn 34.98 triệu tấn, so với mức 36.27 trong tháng 3. Trong khi đó, bang Parana và Rio Grande do Sul tại miền nam Brazil cũng chỉ nhận được lượng mưa nhỏ trong những ngày qua, gây lo ngại về sự phát triển của cây trồng tại đây và là yếu tố “bullish” hỗ trợ giá.

Lúa mỳ chỉ tăng nhẹ 0.28%, đóng cửa ở mức 629.75 cents/giạ. Bên cạnh sự ảnh hưởng từ đà tăng của giá ngô, điều kiện thời tiết khô hạn tại Mỹ đã là yếu tố chính lý giải cho diễn biến của giá lúa mỳ. Hiện tại, nông dân tại bang North Dakota, bang chiếm khoảng một nửa sản lượng lúa mỳ vụ xuân tại Mỹ, đang đối mặt với đợt thời tiết khô hạn nhất trong 126 năm. Trong khi đó, các cơn mưa cũng đã không xuất hiện tại vùng đồng bằng phía nam trong tuần trước, khiến chất lượng lúa mỳ giữ nguyên ở mức thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, dự báo thời tiết cho thấy mưa sẽ tiếp tục xuất hiện tại các khu vực gieo trồng lúa mỳ tại Ukraine và miền nam của Nga đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng tại đây và là yếu tố “bearish”, hạn chế đà tăng của giá.

Nguồn: mxvnews.com