• NÔNG SẢN

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, sắc đỏ chiếm ưu thế bảng giá nông sản. Ngoại trừ khô đậu tương, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở CBOT đều đồng loạt giảm giá. 

Đậu tương nối dài đà giảm lên phiên thứ 3 liên tiếp, về mức 1508.50 cent/giạ. Áp lực bán liên tục gia tăng khiến giá đậu tương duy trì giảm xuyên suốt phiên giao dịch. Xu hướng giảm ngắn hạn của mặt hàng này được xác nhận khi số liệu trong báo cáo WASDE tháng 6 cho thấy nguồn cung sẽ được nới lỏng và nhu cầu cho ép dầu giảm mạnh.

Dầu đậu tương giảm rất mạnh 4.94%, về mức 66.98 cent/pound. Tuần vừa qua là đợt điều chỉnh giảm mạnh nhất của mặt hàng này trong gần một năm qua và chủ yếu do tác động từ dầu cọ. Giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn đã giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng trong bối cảnh nhu cầu bị giảm sút, và khi chính quyền tổng thống Biden chuẩn bị thông báo nới lỏng các yêu cầu bắt buộc trong việc pha trộn nhiên liệu sinh học của các nhà máy lọc dầu. Ngược lại, giá khô đậu tương tăng nhẹ 0.45%, lên mức 383.3 USD/tấn, bất chấp mức giảm từ đầu phiên sáng. Lực mua mạnh lên vào cuối phiên khi giá chạm mức hỗ trợ kĩ thuật và khiến giá tăng trở lại.

Ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 7 quay đầu giảm mạnh 2.07%, xuống mức 684.50 cent/giạ. Áp lực từ các nhà máy lọc dầu ở Mỹ lên chính quyền khi chứng kiến giá nguyên liệu trong pha chế sinh học tăng lên, khiến cho triển vọng về tiêu thụ ngô trong sản xuất ethanol sẽ bị hạn chế.

Lúa mì kết phiên giảm nhẹ 0.44%, về mức 680.75 cent/giạ. Thời tiết thuận lợi ở các vùng sản xuất lớn trên thế giới là yếu tố chính lý giải cho mức giảm hôm qua của lúa mì. Sở giao dịch Buenos Aires Exchange của Argentina cho biết gieo trồng lúa mì đạt 36.5%, tăng mạnh trong tuần vừa rồi nhờ thời tiết khô ráo. Chất lượng lúa mì vụ đông của Pháp được đánh giá tốt – tuyệt vời cũng tăng lên so với tuần trước.

  • NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

Giá cà phê trên 2 sàn kết thúc tuần với diễn biến trái chiều. Mưa tại Brazil làm giảm bớt phần nào lo ngại về chất lượng của cây trồng niên vụ tới. Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Colombia cũng đang cho thấy các dấu hiệu suy yếu dần. Tuy nhiên, thiệt hại về kinh tế sẽ chưa thể được khắc phục trong ngắn hạn.    

Giá đường đường tiếp tục giao dịch trong khoảng đi ngang kể từ đầu tháng 6. Số liệu thực tế cho thấy sản lượng trong nửa sau tháng 5 của Brazil cao hơn dự báo của thị trường đã là yếu tố đè nặng lên giá.   

Giá cacao tiếp tục giữ vững xu hướng giảm kể từ cuối tháng 11 năm 2020 khi chưa có thông tin mới nào mạnh hơn sức ép từ các dự báo dư thừa nguồn cung trong năm nay.

Giá bông có sự điều chỉnh nhẹ vào cuối tuần sau 3 phiên tăng liên tiếp, do tâm lý chốt lời của giới đầu cơ.

  • KIM LOẠI

Giá bạc và bạch kim đồng loạt tăng nhẹ trong phiên hôm qua, trái chiều với mức giảm của giá vàng do sức ép từ mức tăng của đồng Dollar. Giá bạc hiện đã có 3 phiên tăng liên tếp, trong khi đó giá bạch kim cũng phục hồi sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó, nhờ kỳ vọng vào việc các hoạt động sản xuất phục hồi khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát.

Nhu cầu sản xuất cũng đúng với các kim loại cơ bản, khi mà nguồn cung đang eo hẹp từ việc các hoạt động khai thác bị ảnh hưởng trước đó, cũng giúp cho giá đồng và quẳng sắt đồng loạt tăng xấp xỉ 1% trong phiên cuối tuần.

  • NĂNG LƯỢNG

Giá dầu đạt mức cao nhất trong nhiều năm khi đóng cửa phiên hôm qua, kết thúc tuần tăng thứ ba liên tiếp do triển vọng nhu cầu trên toàn thế giới được cải thiện nhờ tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 tăng giúp hạn chế đại dịch.

Giá dầu thô WTI tăng 0.88% lên 70.91 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018. Dầu thô Brent cũng tăng 0.23% lên mức 72.69 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 5/2019.

Cơ quan Thông tin Năng lương Mỹ - IEA cho biết, trong năm tới, OPEC+ phải tăng sản lượng thêm 1.4 triệu thùng/ngày so với giai đoạn từ tháng 7/2021 – tháng 3/2022, để đáp ứng nhu cầu dự kiến có khả năng sẽ về mức trước đại dịch.

Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs dự đoán ​​giá dầu thô Brent sẽ đạt 80 USD/thùng trong mùa hè này khi việc triển khai vắc xin thúc đẩy hoạt động kinh tế toàn cầu. Các số liệu về lưu lượng sử dụng đường bộ trở lại mức trước COVID-19 ở Bắc Mỹ và châu Âu đang là các yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá dầu.

Giá khí tự nhiên tăng rất mạnh hơn 4%, lên mức cao nhất trong bảy tháng do triển vọng xuất khẩu tăng, cùng với nhu cầu điều hòa không khí cao trong hai tuần tới khi thời tiết được dự báo sẽ nắng nóng trong 2 tuần tới.

Nguồn: mxvnews.com