Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số MXV-Index Nông sản và Công nghiệp đồng loạt giảm nhẹ, trái chiều với mức tăng của nhóm Kim loại và Năng lượng.

  • NÔNG SẢN

Đậu tương đóng cửa giảm 0.67% về mức 1524.00 cent/giạ. Sau khi gapup trong phiên sáng, tâm lý chốt lời của nhà đầu tư đã tạo áp lực và khiến giá quay đầu giảm. Thêm vào đó, dự báo thời tiết cho thấy mưa sẽ xuất hiện rải rác tại một số bang trong khu vực Midwest của Mỹ trong tuần này, hỗ trợ cho sự phát triển của cây trông vụ mới, đồng thời làm giảm tính “bullish” của những lo ngại về điều kiện thời tiết khô hạn trong thời gian trước.

Dầu đậu tương tăng 1.07% khi kết thúc phiên, lên mức 63.06 cent/pound. Văn phòng Hàng hải của Argentina cho biết mực nước thấp trên sông Parana đang hạn chế trọng tải của các tàu trở hàng qua đây. Điều này có khả năng sẽ làm tăng chi phí vận chuyển và là yếu tố hỗ trợ giá dầu đậu tương trong bối cảnh nguồn cung dầu thực vật eo hẹp. Tuy nhiên, sự suy yếu của giá đậu tương cùng áp lực trái chiều khiến giá khô đậu tương giảm mạnh 2.58% về mức 415.1 USD/tấn Mỹ.  

Ngô đóng cửa tăng 0.93%, lên mức 679.50 cent/giạ, và là mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2013 do nhu cầu tiêu thụ ổn định trong khi nguồn cung của Mỹ ngày càng trở nên cạn kiệt, kết hợp với lo ngại về sản lượng ngô vụ 2 tại Brazil.

Lúa mỳ đóng cửa giảm mạnh 2.28% xuống còn 718 cent/giạ. Bất chấp đà tăng của giá ngô, lực bán chốt lời tại vùng kháng cự 750 kết hợp với thông tin hãng tư vấn Sovecon dự báo sản lượng lúa mỳ trong năm 2021 của Ukraine sẽ cao hơn nhiều so với năm ngoái đã gây sức ép lớn lên giá.

  • CÔNG NGHIỆP

Cà phê Arabica giảm 0.85% về mức 140.25 cent/pound, đánh dấu phiên giảm thứ 4 liên tiếp. Sự thiếu vắng của các tín hiệu cho thấy khả năng phục hồi của nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu khiến bên mua trở nên thận trong hơn khi tham gia thị trường. Đồng Real tiếp tục suy yếu cũng là yếu tố gây áp lực lên giá đường và cà phê trong phiên hôm qua.

Đường thô giảm 1.47% khi kết phiên, về mức 16.73 cent/pound. Bất chấp việc sản lượng đường sụt giảm tại Brazil, nguồn cung dư thừa tại Ấn Độ khi tiêu thụ trong nước giảm mạnh do dịch bệnh đã gây sức ép lên giá đường.

Cacao đóng cửa giảm 0.55%, xuống còn 2369 USD/tấn trong phiên hôm qua. Lo ngại về khả năng dư thừa nguồn cung trong niên vụ 2020/21 tiếp tục là yếu tố “bearish” tác động đến giá.

Bông đóng cửa giảm nhẹ 0.25% về mức 87.86 cent/pound. Trong hôm qua, sự thiếu vắng của các yếu tố cơ bản mới giúp xác định hướng giá đã khiến giá bông chỉ giao dịch giằng co quanh mức mở cửa với biên độ hẹp.

  • NĂNG LƯỢNG

Giá dầu thô WTI tăng 1.43% lên 64.49 USD/thùng trong khi giá dầu thô Brent tăng 1.20% lên 67.56 USD/thùng. Hiện tại thị trường đang quan tâm đến thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Mỹ. Nếu được khôi phục thì Iran sẽ được phép tăng cường xuất khẩu.

Tình hình đại dịch phức tạp tại Ấn Độ và việc OPEC+ bắt đầu tăng sản lượng từ tháng 05/2021 đã kìm hãm đà tăng. Trong ngày hôm qua, số ca nhiễm tại đây ở mức hơn 300,000 người/ngày – một con số cao kỷ lục và đánh dấu ngày thứ 12 tăng liên tiếp.

Giá dầu thô đã nhận được sự hỗ trợ từ đồng USD trượt giá, chỉ số Dollar index giảm 0.36% xuống 90.940. Lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm cũng giảm nhẹ xuống 1.603%, làm tăng sức hấp dẫn của mặt hàng này.

Tiến trình tiêm chủng tại nhiều quốc gia lớn đã cải thiện kỳ vọng về phục hồi nhu cầu toàn cầu. Tại Nhật Bản, Brazil và Argentina và đặc biệt là tại châu Âu, các chiến dịch tiêm chủng được dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ.

Giá xăng RBOB tăng 1.21% lên 2.1015 USD/gallon nhờ đà tăng của dầu thô. Giá khí tự nhiên tăng 1.19% lên 2.966 USD/mmBtu do thời tiết lạnh hơn dự kiến, làm tăng nhu cầu sưởi ấm.

  • KIM LOẠI

Giá bạc tăng 4.20% lên 26.960 USD/ounce trong khi giá bạch kim tăng 2.07% lên 1230.1 USD/ounce khi đồng USD trượt giá. Chỉ số Dollar Index giảm 0.36% xuống 90.940, khiến cho cho nhu cầu từ những người mua bên ngoài nước Mỹ tăng lên. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm cũng giảm, làm tăng sức hấp dẫn của 2 mặt hàng này.

Trong tuần này, thị trường đang chờ đợi các chỉ số kinh tế vĩ mô của Mỹ. Vào 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần sẽ có báo cáo thất nghiệp và bảng lương phi nông nghiệp, đây là 2 dữ liệu kinh tế quan trọng và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá của kim loại quý.

Giá đồng tăng 1.35% lên 4.5285 USD/pound bất chấp gia tăng sản lượng tại các mỏ khai thác chính và tồn kho tại Thượng Hải tăng. Giá của các mặt hàng kim loại cơ sở nhận được sự hỗ trợ từ triển vọng kinh tế tốt hơn từ Mỹ và việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại châu Âu.

Quặng sắt tăng 2.07% lên 183.36 USD/pound, đánh dấu ngày thứ 2 tăng giá liên tiếp và là mức giá cao nhất trong vòng nhiều năm.

 

 

Nguồn: mxvnews.com