• NÔNG SẢN

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần sau kì nghì lễ, các mặt hàng nông sản đều đồng loạt tăng mạnh khi dòng tiền quay trở lại. 

Đậu tương đóng cửa tăng 1.18% lên mức 1548.50 cent/gịa. Giá đậu tương tăng lên do xu hướng tăng chung của toàn nhóm nông sản mà dẫn đầu là ngô. Bên cạnh đó, thời tiết tại phía bắc khu vực Midwest dự báo sẽ khô ráo hơn trong thời gian tới với nền nhiệt độ cao hơn làm gia tăng lo ngại về năng suất đậu tương ở đây. 

Dầu đậu tương cũng tăng 2.43%, lên mức 67.39 cent/pound. Khô đậu tương tiếp tục tăng nhẹ lên 398.7 USD/tấn, cao hơn 0.81% so với phiên trước đó. Việc chính phủ Brazil đưa ra các cảnh báo khẩn cấp về hạn hán trong vài tháng tới đồng nghĩa với việc mực nước các con sông chính tại Argentina cũng sẽ chỉ ở mức thấp gây cản trở các hoạt động xuất khẩu ở đây. Yếu tố này đã hỗ trợ cho đà tăng của 2 mặt hàng này trong phiên hôm qua. 

Ngô là mặt hàng đáng chú ý trong phiên hôm qua với mức tăng rất mạnh 4.52%, lên 693.50 cent/giạ. Thời tiết khô hạn nghiêm trọng chưa từng có trong vòng 91 năm trở lại đây ở Brazil là yếu tố chính lý giải cho đà tăng của giá. Thông tin này kéo theo việc Cơ quan thống kê nông nghiệp bang Mato Grosso – IMEA và các hãng tư vấn lớn trên thế giới như StoneX, Agrural đồng loạt điều chỉnh sản lượng ngô dự đoán của Brazil niên vụ 20/21 xuống mức thấp hơn. Tuy nhiên, ngô đã không duy trì được khi chạm mức limit up do áp lực bán tại vùng kháng cự 700.

Lúa mì kết phiên cũng tăng 4.52%, lên mức 693.50 cent/giạ. Hãng tư vấn Sovecon dự báo xuất khẩu lúa mỳ niên vụ 2021/22 của Nga dự kiến sẽ thấp hơn niên vụ hiện tại, bất chấp việc nước này vừa công bố giảm mức thuế xuất khẩu lúa mì. Thông tin này đã tạo điều kiện cho việc xuất khẩu lúa mì của Mỹ và giúp hỗ trợ cho đà tăng của giá mặt hàng này trong phiên hôm qua bên cạnh đà tăng của ngô.

  • CÔNG NGHIỆP

Giá các mặt hàng cà phê đều bị cản lại ở các mức kháng cự quan trọng. Tâm lý chốt lời cùng việc thu hoạch thuận lợi tại Brazil khiến giá Arabica chịu áp lực bán lớn vào cuối phiên. Trong khi đó, dù gặp lực bán kỹ thuật ở mức kháng cự tâm lý 1600 nhưng tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp ở Việt Nam giúp giá Robusta vẫn giữ được sắc xanh..

Đồng Real mạnh lên khiến nông dân Brazil hạn chế bán hàng cùng đà tăng mạnh của giá dầu thô đã giúp giá đường tăng mạnh gần 2% trong phiên hôm qua.

Thời tiết dự báo sẽ khô hạn trở lại ở khu vực phía tây bắc bang Texas, vùng gieo trồng bông lớn của Mỹ, kết hợp với ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của nhóm nông sản cũng giúp cho giá bông tăng rất mạnh trong phiên hôm qua.

  • NĂNG LƯỢNG

Giá dầu thô hôm qua đã vượt qua các ngưỡng kháng cự quan trọng sau các thông báo của OPEC+. Cụ thể, giá WTI đạt 67.72 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 trong khi giá Brent vượt ngưỡng 70 quan trọng để đạt 70.25 USD/thùng.

Kết thúc cuộc họp hôm qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và Đồng minh OPEC+ quyết định giữ nguyên mức gia tăng sản lượng trong tháng 6 là 350,000 thùng/ngày và 441,000 thùng/ngày trong tháng 7. Thực tế là nhu cầu đang ngày càng gia tăng tại Mỹ và châu Âu khi các nước này mở cửa trở lại và gia tăng thâm hụt nhu cầu với nguồn cung. Giá cũng được hỗ trợ khi thông tin từ cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran cho thấy kết quả có thê sẽ được đưa ra trong tháng 8, thay cho mốc thời điểm 18/6 mà phía Tehran kỳ vọng. Điều này làm giảm áp lực nguồn cung gia tăng trong năm nay.

  • KIM LOẠI

Giá các mặt hàng kim loại diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua. Đối với các mặt hàng kim loại quý, giá Bạc tăng mạnh khi mở cửa trong ngày hôm qua, đã có thời điểm giá đạt đến mức 28.7 USD, tuy nhiên lực bán mạnh vào cuối phiên làm giá giảm nhẹ 0.24% còn 28.102 USD/ounce. Ngược lại, dù trong phiên biến động mạnh, Bạch kim vẫn duy trì được đà tăng của phiên trước đó, giá tăng nhẹ 0.72% lên 1199.7 USD/ounce. Chỉ số Dollar Index giảm còn 89.83 cũng là yếu tố có lợi cho đà tăng của các mặt hàng kim loại quý.

Đối với các mặt hàng kim loại cơ bản, giá Đồng giảm nhẹ 0.54% còn 4.6535 USD/pound khi mối lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung đã dịu đi. Đại diện của BHP cho biết các hoạt động tại mỏ đồng lớn nhất thế giới Escondida và tại mỏ Spence ở Chile vẫn diễn ra bình thường vào thứ Ba bất chấp cuộc đình công của công đoàn.

Trong khi, đó giá Quặng sắt vẫn tiếp tục tăng mạnh, phiên thứ 4 liên tiếp. Giá tăng 5% lên 198.16 USD nhờ thông tin nhu cầu sử dụng Quặng sắt tăng, khi các nhà máy thép tại Đường Sơn có kế hoạch giảm bớt yêu cầu cắt giảm sản lượng.

Nguồn: mxvnews.com