Sức ép bán gia tăng đối với thị trường đồng trong phiên sáng đầu tuần, do thị trường ngày càng hoài nghi về bài toán tiêu thụ đồng tại Trung Quốc.

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố sáng nay chỉ ra lạm phát tại nước này tiếp tục suy yếu. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 6 giảm 0,2% so với tháng 5. Thước đo năm trên năm, chỉ số CPI tháng 6 không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái và không đạt được mức tăng 0,2% theo kỳ vọng của giới chuyên gia.

Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục kéo dài đà giảm sang tháng thứ chín liên tiếp với mức giảm 5,4% (YoY) trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2015, phản ánh tình trạng giảm phát giá sản xuất kéo dài.

Có thể thấy, lạm phát tiêu dùng thực tế của nước này vẫn đang cách rất xa so với mức mục tiêu mà Chính phủ đề ra là tăng 3% trong năm nay. Trong khi đó, hoạt động sản xuất trong tháng 6 tiếp tục ở ngưỡng thu hẹp, cho thấy đà phục hồi yếu kém của nền kinh tế nước này. Nhiều khả năng đây tiếp tục là yếu tố “bearish” tới giá đồng trong ngắn hạn.

Trong khi đó, lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng cũng đang làm xấu đi triển vọng tiêu thụ đồng trên toàn cầu. Fitch Solutions đã hạ dự báo giá đồng vào năm 2023 từ mức trung bình 9.000 USD/tấn (4,08 USD/pound) xuống 8.800 USD/tấn (4 USD/pound).

Ngân hàng Bank of America cũng hạ dự báo giá đồng xuống còn 8.788 USD/tấn vào năm 2023, từ mức dự báo trước đó là 9.427 USD/tấn.

Tuy vậy, nhu cầu chuyên đổi sang năng lượng xanh vẫn là “ngôi sao sáng” của thị trường đồng, đặc biệt là ngành xe điện (EV). Vào năm ngoái, sản xuất xe điện chiếm khoảng 2/3 mức tăng nhu cầu đồng toàn cầu, theo Goldman Sachs. Trong năm nay, nhu cầu đồng của ngành xe điện dự kiến sẽ đạt 1 triệu tấn và sẽ tăng lên 1,5 triệu tấn vào năm 2025.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv