Đồng USD suy yếu tiếp tục hỗ trợ cho lực mua đồng trong phiên sáng 17/03. Chỉ số Dollar Index giảm 0.29% neo tại mức 104.12 điểm. Đồng USD yếu hơn sau khi các nhà chức trách của các ngân hàng lớn trên thế giới có động thái giảm bớt căng thẳng cho hệ thống tài chính, việc giải cứu Ngân hàng First Republic tại Mỹ vào thứ Năm đã giúp trấn an tâm lý thị trường.
Tuy vậy, bất chấp những sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu trong những ngày gầy đây về vấn đề thanh khoản, vào hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 3.5%, mức cao nhất kể từ năm 2009. Chi phí cho vay tăng cao có thể tiếp tục kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của các nước khu vực châu Âu. Theo đó là sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất và kéo theo nhu cầu tiêu thụ đồng suy yếu, gây sức ép lên giá đồng.
Bên cạnh đó, ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều hướng chung tới một mục tiêu là đẩy lùi lạm phát. Do đó, trong phiên họp tuần tới, nhiều khả năng Fed có thể sẽ tuân theo quyết định của ECB và tiếp tục nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vì lo ngại về lạm phát cao vượt xa lo ngại về khủng hoảng ngân hàng toàn cầu. Hơn nữa, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm bất ngờ, điều này cho thấy sức mạnh của thị trường lao động tiếp tục tăng và dữ liệu nhà ở tốt hơn dự kiến vào thứ Năm cũng đã thúc đẩy các nhà đầu tư đặt cược vào việc tăng lãi suất của Fed. Công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME Group cho thấy xác suất Fed nâng lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm đã đạt hơn 80%. Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất có thể là yếu tố gây sức ép lên giá đồng.
Tuy vậy, về vấn đề nguồn cung, tồn kho đồng trên Sở COMEX tiếp tục giảm xuống mức 15,128 tấn, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3 năm 2014. Kết hợp với việc nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc đang dần có dấu hiệu cải thiện. Đây có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng trong phiên.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv