Đồng mở cửa phiên ngày 13/01 với lực mua tích cực, tuy nhiên, lực bán dần áp đảo vào giữa buổi sáng khi dữ liệu thương mại của Trung Quốc được công bố cho thấy sự sụt giảm mạnh.
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cả hoạt động xuất khẩu lẫn nhập khẩu tháng 12 đều suy yếu do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Theo thống kê, nhập khẩu đồng trong tháng 12 đạt 514,048 tấn, giảm so với mức 539,901 tấn của tháng 11. So với cùng kỳ năm 2021, sản lượng nhập khẩu đồng giảm 12.7%, mức giảm lớn nhất trong 14 tháng. Điều này khiến nhà đầu tư lo ngại nhu cầu suy yếu trong ngắn hạn, trước khi phục hồi trở lại trong vài tháng tới. Theo nghiên cứu của Fitch Solutions dự báo mức tiêu thụ đồng năm 2023 của Trung Quốc sẽ tăng 4.4% lên 14.81 triệu tấn, mức cao nhất trong 5 năm qua, và sẽ tiếp tục tăng lên 19.21 triệu tấn vào năm 2030.
Trái lại, yếu tố vĩ mô và yếu tố nguồn cung lại ủng hộ cho giá đồng tăng. Lạm phát Mỹ hạ nhiệt phù hợp với dự báo của thị trường làm tăng thêm niềm lạc quan Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhẹ tay thắt chặt tiền tệ, khiến đồng USD tiếp tục suy yếu. Sự suy yếu của đồng USD hỗ trợ lực mua đồng tăng lên do chi phí mua giảm.
Đồng thời, tại Peru, quốc gia sản xuất đồng lớn thứ hai trên thế giới, liên tục gặp biểu tình, tình trạng ổn chính trị diễn ra tồi tệ nhất trong nhiều năm. Hôm nay, mỏ đồng Antapaccay của Glencore, một trong những mỏ đồng lớn nhất ở Peru đã bị tấn công bởi đoàn người biểu tình, khiến hoạt động sản xuất gặp gián đoạn và 2,000 công nhận phải sơ tán. Lo ngại nguồn cung gián đoạn tại Peru sẽ hỗ trợ cho giá đồng tăng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv