Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy lực bán áp đảo trên thị trường hàng hoá trong phiên giao dịch ngày 26/10. Chỉ số MXV-Index của cả 4 nhóm hàng đều giảm điểm, kéo chỉ số MXV-Index chung toàn thị trường hạ 0,5% xuống 2.225 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư đến thị trường bứt phá mạnh với giá trị giao dịch toàn Sở tăng gần 25% lên sát 5.500 tỷ đồng, cao nhất trong vòng hai tháng qua.
Nhóm năng lượng tiếp tục là tâm điểm với những biến động mạnh. Trong khi giá dầu lao dốc hơn 2% thì giá khí tự nhiên lại tăng vọt gần 7%. Thị trường dồn chú ý vào sắc đỏ bao trùm nhóm kim loại khi 9 trên 10 mặt hàng giảm giá. Trong đó, giá thiếc, kẽm, và niken niêm yết trên Sở Giao dịch London (LME) giảm mạnh nhất, đều trên 1%.
Áp lực vĩ mô gây sức ép lên giá kim loại
Lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay kéo thị trường kim loại “đỏ lửa” trong phiên hôm qua. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc nối dài đà giảm sang phiên thứ tư liên tiếp khi giảm 0,43% xuống mức 22,90 USD/ounce. Giá bạch kim đảo chiều suy yếu 0,37%, đóng cửa tại mức 909 USD/ounce.
Trái lại, giá vàng tăng 0,26% lên 1.984,82 USD/ounce. Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 0,18% xuống 3,58 USD/pound trong khi giá quặng sắt giảm xuống 117,05 USD/tấn sau khi để mất 0,14%.
Thị trường kỳ vọng FED tiếp tục duy trì lãi suất cao trong thời gian sau khi Mỹ công bố loạt dữ liệu kinh tế tích cực. Cụ thể, Cục Thống kê Kinh tế Mỹ cho biết tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III của Mỹ tăng 4,9% so với quý II, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự báo của thị trường. Đây cũng là mức tăng GDP theo quý lớn nhất của Mỹ kể từ quý IV/2021.
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, sẽ tạo thêm không gian để FED duy trì lãi suất cao trong thời gian dài. Điều này đã gây sức ép lên toàn bộ nhóm kim loại trong phiên hôm qua.
Riêng đối với quặng sắt, mặt hàng này còn phải chịu sức ép bởi triển vọng nhu cầu kém sắc tại Trung Quốc. Lĩnh vực bất động sản yếu kém và lo ngại chính phủ tiếp tục hạn chế sản lượng thép đang đè nặng lên tiêu thụ sắt, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép. Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cho biết sản lượng thép thô của Trung Quốc có thể giảm trong quý cuối năm 2023 nhằm giảm thiểu lượng khí thải trong những tháng mùa đông.
Trên thị trường nội địa, giá thép đã đi ngang hơn một tháng sau 19 lần điều chỉnh giảm. Hiện tại, giá vẫn đang ở mức đáy 3 năm. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình tiêu thụ thép bắt đầu khởi sắc trong tháng 9.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đây là tháng đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng về bán hàng thép thành phẩm so với cùng kỳ năm ngoái khi tăng gần 5% lên gần 2,2 triệu tấn. Trong đó, thép xây dựng, mặt hàng chiếm gần một nửa tỷ trọng, tăng 4,2%. Tiêu thụ thép cuộn cán nóng tăng mạnh nhất gần 34%.
Trong bối cảnh tiêu thụ nội địa khó khăn, các doanh nghiệp tìm đến thị trường nước ngoài để bù đắp doanh số. Xuất khẩu thép thành phẩm tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên gần 658.000 tấn.
Giá dầu giảm trở lại, giá khí tự nhiên bật tăng mạnh
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, tương tự như tác động với nhóm kim loại, sức ép vĩ mô từ kỳ vọng chính sách tiền tệ của FED sau dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực, cũng kéo giá dầu suy yếu. Ngoài ra, tình hình xung đột có phần hạ nhiệt tại khu vực Trung Đông cũng góp phần tạo sức ép đến giá.
Cụ thể, giá dầu WTI gần như xóa sạch mức tăng của phiên hôm trước khi giảm 2,55% xuống 83,21 USD/thùng. Giá dầu Brent chốt phiên ở mức 87,93 USD/thùng, giảm 2,44% so với phiên trước.
Làm gia tăng áp lực cho giá, báo cáo tồn kho nhiên liệu tại Singapore, đại diện cho nhu cầu tiêu thụ tại Châu Á, đã tăng cao trong tuần kết thúc vào ngày 25/10. Dữ liệu từ Enterprise Singapore cho thấy tồn kho dầu nhiên liệu trên đất liền của Singapore đã tăng 0,7% lên 19,54 triệu thùng.
Trái với diễn biến giá dầu, giá khí tự nhiên tăng vọt gần 7% lên mức cao nhất trong 1 tuần do dự báo thời tiết lạnh hơn dự kiến thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm. Ngoài ra, dự trữ khí đốt tăng ít hơn dự báo cũng củng cố lực mua trên thị trường. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các cơ sở đã bổ sung 74 tỷ feet khối (bcf) khí đốt vào kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 20/10, thấp hơn so với dự báo tăng 80 bcf.
Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv