Giá đồng gặp áp lực ngay trong phiên mở cửa sáng nay sau dữ liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc trong tháng 10. Cụ thể, chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất tháng 10 trở về dưỡi ngưỡng 50, đạt mức 49.2, biểu thị sự thu hẹp trong hoạt động của các nhà máy tại quốc gia này. Trong khi đó, PMI phi sản xuất đo lường lĩnh vực dịch vụ và xây dựng cũng đã giảm mạnh từ mức 50.6 trong tháng 9 xuống còn 48.7. Sự thu hẹp trong các hoạt động kinh tế này sẽ có tác động tiêu cực tới niềm tin của các nhà đầu tư về khả năng phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc trong giai đoạn cuối năm.

Theo Bloomberg, báo cáo về số ca nhiễm Covid-19 trong ngày hôm qua đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 80 ngày qua, đạt mức 2.675 ca, tăng hơn 800 ca so với ngày trước đó. Số ca nhiễm gia tăng mạnh ở Quảng Đông, khu vực sản xuất chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các địa phương khác cũng đang tăng cường phong toả và cách ly. Việc gắn chặt với chính sách Không covid trong bối cảnh số ca nhiễm trải rộng và liên tục gia tăng nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất trong hai tháng cuối năm. Nhu cầu về đồng trong lĩnh vực công nghiệp hay lĩnh vực xây dựng tại quốc gia này vẫn được dự đoán sẽ khá tiêu cực, và động lực giảm vẫn còn tồn tại.

Bên cạnh đó, tình hình thương mại Mỹ - Trung kể từ sau những phát biểu cứng rắn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại. Mới đây, tại một cuộc đàm phán chương trình nghị sự cho diễn đàn thương mại cấp cao, Mỹ đã đề nghị EU cân nhắc sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để nhắm vào Trung Quốc. Đầu tháng này, chính quyền Biden cũng đã yêu cầu các công ty Mỹ hạn chế bán chip được sử dụng cho siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo cho các công ty Trung Quốc. Căng thẳng thương mại sẽ gây thêm áp lực gia tăng cho thị trường nguyên liệu đầu vào quan trọng tại Trung Quốc như đồng.

 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv