Đà tăng từ 3 phiên trước đó của giá đậu tương hợp đồng tháng 11 có xu hướng chững lại sau khi mở cửa phiên hôm nay, trong bối cảnh tác động “bullish” từ sự gia tăng nhu cầu đối với đậu tương Mỹ đã phản ánh vào diễn biến giá trong những phiên gần đây. Báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) tối nay có thể là yếu tố quyết định giúp giá đậu tương có thể tiếp tục hướng tới vùng giá mục tiêu 1320.
Trước thềm công bố báo cáo Export Sales tuần này với các số liệu cho giai đoạn 06/10-12/10, giới phân tích dự đoán khối lượng bán hàng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ sẽ nằm trong khoảng 950.000-1.625.000 tấn, so với mức 1.056.820 tấn của một tuần trước đó. Cần phải lưu ý rằng trong tuần đánh giá USDA đã báo cáo rằng Mỹ đã bán được 3 đơn bán hàng đậu tương lớn, với tổng khối lượng lên đến 629.000 tấn.
Hơn nữa, hiện đang là cao điểm vụ thu hoạch đậu tương tại Mỹ nên các nhà sản xuất cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động bán hàng cũng như giao hàng. Do đó, nhiều khả năng số liệu bán hàng đậu tương trong báo cáo Export Sales tối nay sẽ nằm trong khoảng dự đoán của thị trường, nhưng con số này cần phải cao hơn so với tuần trước đó để có thể giúp giá đậu tương duy trì được đà tăng.
Trong khi đó ở Brazil, hoạt động xuất khẩu đậu tương đang gặp khó khăn do tình trạng hạn hán tại Amazon. Hạn hán kỷ lục khiến mực nước sông Amazon chảy qua Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ, buộc các nhà xuất khẩu ngũ cốc phải chuyển một lượng nhỏ hàng xuất khẩu xuống các cảng phía nam thay vì các cảng phía bắc.
Đây cũng là nguyên nhân khiến Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) hạ dự báo xuất khẩu đậu tương tháng 10 của nước này xuống còn 6,44 triệu tấn, từ mức 6,83 triệu tấn ước tính tuần trước. Dù vậy, ANEC cho rằng tình hình này sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch xuất khẩu ngũ cốc của nước này, đồng thời duy trì dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil ở mức kỷ lục 99 triệu tấn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv