Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 11-17/12, diễn biến khá phân hóa trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Trái với xu hướng giá đi xuống của nhóm năng lượng và nông sản, sắc xanh gần như bao trùm nhóm mặt hàng nhóm kim loại. Chỉ số MXV-Index tăng 1,18% lên 2.139 điểm, mức cao nhất trong vòng hai tuần qua. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 5.000 tỷ đồng.

Giá cà phê lên mức đỉnh trong gần 6 tháng

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá hai cà phê tăng lần lượt 11,84% với Robusta và 6,86% với Arabica. Mức tăng mạnh trong tuần vừa qua đã đẩy giá Arabica và Robusta lên mức cao nhất trong gần 6 tháng. Lo ngại nắng nóng tại vùng trồng cà phê chính của Brazil ảnh hưởng đến sản lượng và quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tác động kép lên giá cà phê trong tuần qua. 

Viện Khí tượng Quốc gia Brazil (INMET) cảnh báo nhiệt độ tại khu vực Đông Nam, vùng trồng cà phê chính của Brazil có thể hứng chịu nắng nóng gay gắt trong 4 ngày liên tiếp, thậm chí nền nhiệt có thể lên trên 40 độ C vào cuối tuần. Hơn nữa, độ ẩm có thể xuống dưới mức trung bình. Thị trường lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của cây cà phê và khiến sản lượng niên vụ 2024/25 tại Brazil không tốt như kỳ vọng trước đó. 

Hơn nữa, FED quyết định giữ nguyên mức lãi suất 5,25 - 5,5% trong kỳ họp tháng 12 và có thể cắt giảm 0,75% lãi suất trong năm 2024 khiến giới đầu cơ gia tăng lực mua, nông dân Brazil hạn chế bán do thu về ít ngoại tệ hơn. 

Ngoài ra, thông tin Việt Nam đang có xu hướng hạn chế bán cà phê để chờ giá lên đã đẩy giá Robusta tăng cao hơn Arabica. 

Dù vậy, trong báo cáo khảo sát kết quả mùa vụ lần thứ 4, CONAB đã nâng dự báo sản lượng cà phê năm 2023 của Brazil lên 55,07 triệu bao loại 60kg, tăng lần lượt 8,2% và 1,31% so với năm 2022 và báo cáo trước đó. 

Ngược lại, trong nhóm mặt hàng nguyên liệu công nghiệp, giá đường 11 giảm 5,86% và giá đường trắng mất 4,22% trong tuần qua với triển vọng nguồn cung tích cực từ các quốc gia sản xuất đường hàng đầu thế giới. 

Giá bông ghi nhận mức giảm gần 2% trong tuần qua do áp lực từ việc nhu cầu bông ở mức thấp. Trong báo cáo xuất khẩu hàng tuần kết thúc ngày 7/12, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết quốc gia này chỉ bán được 57.800 kiện bông của vụ 2023/24, giảm 50% so với tuần trước và 88% so với mức trung bình 4 tuần gần nhất. 

Giá dầu cọ cũng giảm 1,28%, đánh dấu tuần mang sắc đỏ thứ 4 liên tiếp. Dữ liệu xuất khẩu yếu đã gây sức ép lên giá. Nhà khảo sát hàng hóa Intertek testing Services cho biết xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong nửa đầu tháng 12 giảm 13,6% so với tháng trước, xuống 591.490 tấn.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (18/12), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 66.300 - 66.700 đồng/kg, tiếp tục tăng so với hôm qua.

Sau cuộc họp FED, giá kim loại đồng loạt tăng

Tuần giao dịch vừa qua, sắc xanh phủ kín bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, sau khi giảm mạnh gần 10% trong tuần trước đó, giá bạc phục hồi 3,77% lên 24,15 USD/ounce. Giá bạch kim cũng tăng 3,57%, đóng cửa tuần tại mức 952,6 USD/ounce, đứt chuỗi giảm hai tuần liên tiếp. 

Trong các phiên đầu tuần, giá bạc và giá bạch kim đã phải chịu áp lực khi các nhà đầu tư thận trọng hơn trước thềm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) họp ngày 12 - 13/12. Lo ngại FED có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn so với kỳ vọng của thị trường đã thúc đẩy đồng USD tăng trở lại và gián tiếp gây áp lực lên giá kim loại quý.

Tuy vậy, giá bạc và giá bạch kim đã bật tăng mạnh mẽ ngay sau khi quyết định lãi suất của FED được công bố, FED cho biết chu kỳ thắt chặt tiền tệ đã kết thúc. Chi phí đi vay dự kiến giảm 75 điểm cơ bản trong năm tới. Hiện số ý kiến ủng hộ việc FED giảm lãi suất ngay trong tháng 3/2024 đã tăng lên 63%, từ mức 43% trong tuần trước đó, theo CME FedWatch.

Kỳ vọng FED sắp xoay trục chính sách đã khiến đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ lao dốc mạnh trong tuần trước, đặc biệt là khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phát đi tín hiệu về chính sách khắc nghiệt hơn so với FED.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi 1,57% lên 3,89 USD/pound. Áp lực lãi suất giảm bớt và đồng USD suy yếu cũng hỗ trợ giá đồng tăng trong tuần trước. 

Hơn nữa, Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá đồng. Tân Hoa Xã cho biết hai thành phố hạng nhất của Trung Quốc là Bắc Kinh và Thượng Hải đã nới lỏng các hạn chế mua nhà.

Ở chiều ngược lại, nhu cầu yếu tại Trung Quốc đã khiến giá quặng sắt gặp áp lực trong tuần trước, để mất 1,2% về 133,89 USD/tấn.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS), sản lượng thép của Trung Quốc nối dài đà giảm sang tháng thứ năm liên tiếp, chỉ đạt 76,1 triệu tấn trong tháng 11, giảm 3,8% so với tháng trước. Triển vọng tiêu thụ thép kém đã làm suy yếu nhu cầu mua quặng sắt, nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép.

Hơn nữa, phần lớn các thành phố tại Trung Quốc phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt trong tuần trước. Chính quyền cho biết đây là một trong những đợt lạnh nhất ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Điều này đã khiến cho hoạt động xây dựng tại Trung Quốc bị gián đoạn và tác động tiêu cực lên giá sắt thép.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv