Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đang giảm trở lại xuống dưới khoảng sideway 1430 – 1460. Xu hướng đi ngang đã kéo dài kể từ đầu tháng 11 cho tới trước khi giá mất đi hỗ trợ là mức chặn dưới vào cuối tuần trước. Đây có thể là tín hiệu kĩ thuật cho thấy lực bán đang chiếm ưu thế hơn và nhịp giảm đang được hình thành.

Về mặt cơ bản, nhu cầu đối với đậu tương thế giới cũng đang có dấu hiệu suy yếu. Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ đậu tương lớn nhất chỉ nhập khẩu 2.8 triệu tấn đậu tương từ Brazil trong tháng vừa rồi, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các lô hàng đậu tương từ Mỹ tới Trung Quốc trong tháng 10 đạt 772,938 tấn, so với mức 775,331 tấn của 10/2021. Nhu cầu sử dụng khô đậu cho hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi của nông dân cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu đậu nội địa Trung Quốc liên tục ở mức thấp trong nửa đầu năm nay đã khiến biên lợi nhuận ép dầu tại nước này sụt giảm. Điều này dẫn tới việc nhập khẩu đậu tương hàng tháng của Trung Quốc giảm xuống thấp nhất từng được ghi nhận kể từ 2014. Tuy nhiên, đây lại không phải là yếu tố “bearish” đủ mạnh để tạo ra xu hướng giảm mới mà chỉ tạo sức ép ngắn hạn lên giá đậu tương.

Nguồn cung từ Mỹ có thể trở nên cạnh tranh hơn trong thời gian tới nếu như nhu cầu từ Trung Quốc vẫn duy trì để bù đắp lại lượng hàng thiếu trong thời gian trước. Những số liệu bán hàng xuất khẩu tăng vọt trong vài báo cáo hàng tuần gần đây cũng là căn cứ cho nhận định trên. Thị trường cũng vẫn cần theo dõi xu hướng khối lượng giao hàng trong các báo cáo Export Inspections, vì đây sẽ là dấu hiệu dự báo nhanh hơn cho số liệu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từ Mỹ trong tháng 11. Nếu như trong tuần này, giao hàng đậu tương tiếp tục không có sự cải thiện thì nhu cầu vẫn sẽ đóng vai trò là yếu tố “bearish” đối với giá.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv