Mở cửa phiên giao dịch ngày 15/06, giá ngô vẫn tiếp tục diễn biến giằng co tương tự như phiên hôm qua sau khi giá được đẩy lên từ vùng hỗ trợ 760.

Kể từ đầu tháng 5 cho đến nay, xu hướng chính của ngô đang là giảm từ vùng đỉnh 820. Đây cũng là đợt điều chỉnh mạnh và kéo dài nhất của ngô trong suốt giai đoạn tăng giá kể từ cuối năm ngoái. Nếu xét theo tính chu kỳ, giá nông sản thường có xu hướng tạo đỉnh vào quý 2 hàng năm, khi nguồn cung ở Mỹ đã dần ổn định, thời tiết không quá bất lợi, từ đó kéo theo việc giá suy yếu dần trong những tháng tiếp theo. Liệu giá ngô năm nay có tăng lên đột biến như năm ngoái nữa hay không là điều mà nhiều nhà đầu tư đang quan tâm. Điều này sẽ phụ thuộc phần lớn vào triển vọng trong giai đoạn phát triển của mùa vụ tại Mỹ năm nay và một phần nữa là nhu cầu tiêu thụ ngô trong ngành công nghiệp ethanol.

Mặc dù là quốc gia xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới nhưng khối lượng ngô để phục vụ cho nhu cầu này tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 15 – 20% sản lượng, mức tỉ trọng khá thấp so với 2 quốc gia xuất khẩu lớn còn lại ở Nam Mỹ. Không những thế, với sự cạnh tranh đến từ Brazil, kết hợp với việc khách hàng lớn của Mỹ là Trung Quốc cũng đang hướng tới việc đa dạng nguồn cung nên xuất khẩu sẽ khó có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô CBOT trong thời gian tới.

Trong khi đó, một lượng lớn ngô còn được sử dụng trong việc sản xuất ethanol với tỉ trọng ngày càng lớn, đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu ngày càng tăng thì nhu cầu ethanol trong pha trộn nhiên liệu sinh học cũng càng cao hơn.  Đây sẽ có thể là yếu tố “bullish” có thể giúp giá ngô sẽ khó tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới. Sản lượng ethanol đã quay trở lại mức trên 1 triệu thùng/ngày trong 3 tuần liên tiếp và trong báo cáo của EIA tối nay, con số này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được cải thiện và là yếu tố hỗ trợ cho giá.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

 

Nguồn: Mxv