Giá đồng phải chịu sức ép sau khi Trung Quốc công bố số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của nước này lại rơi vào vùng thu hẹp. Cụ thể, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 10 của Trung Quốc đạt 49,5 điểm, thấp hơn so với dự báo và mức 50,2 điểm ghi nhận trong tháng 9, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS).
Dữ liệu này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất cũng là phân khúc tiêu thụ một lượng lớn đồng tại nước này. Do vậy, dữ liệu này làm xấu đi triển vọng tiêu thụ đồng, giá đồng vì thế cũng phải chịu sức ép.
Bên cạnh yếu tố cung – cầu, giá đồng còn phải chịu áp lực bởi sự mạnh lên của đồng bạc xanh. Đồng USD đang dần phục hồi sau phiên giảm trước đó, do đồng yên giảm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức -0,1%. Quyết định này của BOJ được đánh giá là không “diều hâu” như dự báo của thị trường.
Hơn nữa, đà tăng của chỉ số Dollar Index có thể tiếp tục được củng cố trước sự suy yếu của đồng euro. Dữ liệu Đức vừa công bố cho thấy doanh số bán lẻ của Đức tiếp tục giảm trong tháng 9, ghi nhận ở mức -0,8%, trái ngược với dự báo tăng 0,5%. Điều này làm tăng thêm lo ngại rằng nền kinh tế khu vực châu Âu đang trải qua giai đoạn suy thoái, gây sức ép lên đồng euro.
Tương tự giá đồng, giá bạc và giá bạch kim cũng phải chịu sức ép dưới sự mạnh lên của đồng USD. Tuy vậy, nhu cầu trú ẩn tăng cao khi xung đột Israel – Hamas leo thang có thể cản trở đà giảm mạnh của giá. Theo tờ "Jerusalem Post" dẫn nguồn tin quân sự Israel, Lực lượng Phòng vệ Israel tuyên bố rằng trong 24 giờ qua, quân đội Israel đã tiến hành các cuộc tấn công vào khoảng 300 mục tiêu quân sự của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Palestine (Hamas).
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv