Giá đậu tương hợp đồng tháng 11 khởi sắc mạnh mẽ và ghi nhận mức tăng gần 1% trong sáng nay. Với nhịp tăng này, giá đậu tương cũng chính thức vượt ngưỡng kháng cự 1300.

Trong những phiên gần đây, giá đậu tương nhận được sự hỗ trợ tích cực từ đà tăng vọt của giá khô đậu tương. Yếu tố này có thể giúp giá đậu tương tiếp tục hướng tới vùng giá mục tiêu tiếp theo là 1420 trong hôm nay. Tuy nhiên, thị trường cần thận trọng bởi vẫn tồn tại rủi ro giá suy yếu trước áp lực chốt lời trong phiên tối.

Với vai trò là nguyên liệu đầu vào cho quá trình ép dầu để sản xuất khô đậu tương, nhu cầu tiêu thụ đậu tương tại Mỹ cũng đang gia tăng trong bối cảnh nhu cầu quốc tế đối với khô đậu ở mức cao. Trong báo cáo tháng 10, Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) cho biết khối lượng ép dầu đậu tương trong tháng vừa rồi của Mỹ đạt 165,46 triệu giạ, mức kỷ lục được ghi nhận cho giai đoạn tháng 09, đồng thời nằm gần với mức cao nhất của khoảng dự đoán từ giới phân tích. Sản lượng ép dầu đậu tương của Mỹ có thể sẽ duy trì ở mức cao trong tháng 10, khi các nhà máy đã hoàn thành công tác bảo trì định kỳ, và nhu cầu đối với khô đậu để làm thức ăn chăn nuôi và dầu đậu để sản xuất nhiên liệu sinh học vẫn gia tăng. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá đậu tương trong thời gian tới.

Dù vậy, một yếu tố “bearish” trong dài hạn đối với giá đậu tương mà các nhà đầu tư cần lưu ý ở thời điểm hiện tại là triển vọng tích cực của nguồn cung từ Brazil. Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp Dầu thực vật Brazil (Abiove) đã dự báo nước này có thể sản xuất mức kỷ lục 164,7 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 23/24, tăng 4,4% so với niên vụ trước. Xuất khẩu đậu tương trong niên vụ tới của quốc gia Nam Mỹ này dự kiến cũng đạt mức kỷ lục mới là 100 triệu tấn, Abiove cho biết thêm. Theo đánh giá của chúng tôi, tác động “bearish” từ thông tin này đối với giá đậu tương CBOT sẽ tương đối hạn chế trong phiên hôm nay, khi hoạt động gieo trồng ở Brazil hiện đang bị trì hoãn, và thị trường vẫn cần theo dõi thêm.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv