Mở cửa phiên giao dịch ngày 10/02, giá hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 3 giảm nhẹ, nhưng đã nhanh chóng quay đầu tăng trở lại sau đó nhờ lực mua kỹ thuật tại vùng kháng cự 670. Về phía thông tin cơ bản, bên cạnh lo ngại xoay quay mùa vụ ngô mới tại Argentina, nỗ lực của Mỹ trong việc yêu cầu Mexico đưa ra lệnh nhập khẩu ngô biến đổi gen (GMO) của nước này cũng góp phần giúp giá có sự thể hiện tích cực trong sáng nay.

Trong sáng nay, ông Doug McKalip, trưởng đoàn đàm phán thương mại nông nghiệp mới của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR),  cho biết ông đã đưa ra thời hạn đến ngày 14/02 để Mexico có thể cung cấp các cơ sở khoa học đằng sau lệnh cấm nhập khẩu ngô biến đổi gen của họ. Mặc dù rất khó để đưa ra tỷ lệ chính xác lượng ngô mà Mỹ xuất khẩu sang Mexico vì tỷ lệ này thay đổi theo từng năm. Tuy nhiên, Mexico là một trong những quốc gia nhập khẩu ngô lớn nhất của Mỹ và luôn nằm trong số các điểm đến hàng đầu của các lô hàng ngô được xuất khẩu từ đây. Dựa vào dữ liệu của USDA, trong niên vụ 20/21, Mexico là thị trường xuất khẩu ngô lớn thứ hai của Mỹ, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, động thái này của Mỹ cho thấy rõ sự không đồng tình của họ với chính sách mới của Mexico về việc cấm nhập khẩu ngô biến đổi gen và tạo hy vọng về kịch bản khách hàng quan trọng này sẽ nhẹ tay hơn, trực tiếp giảm bớt lo ngại về nhu cầu đối với mặt hàng này và hỗ trợ giá.

Vào cuối năm ngoái, Mexico đã đề nghị trì hoãn việc thực hiện lệnh cấm cho đến năm 2025, nhưng McKalip, người đã từng là cố vấn thương mại hàng đầu cho Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, cho biết sự trì hoãn và các ngoại lệ sẽ không giải quyết được vấn đề cốt lõi, đó là các quyết định này cần phải dựa trên cơ sở  khoa học. Mặc dù lệnh cấm sẽ không bắt đầu cho đến năm 2024, nhưng nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định gieo trồng của nông dân Mỹ.       

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv