Chỉ trong vài tuần vừa qua, hầu hết giá các loại nông sản đều trải qua đợt giảm mạnh. Giá ngô ghi nhận mức giảm 6%, giá lúa mì lao dốc và thấp hơn 12% so với hồi đầu năm 2023. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi nước ta vốn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vẫn chưa thể nhẹ gánh khi giá khô đậu tương đang đi ngược xu hướng chung và tiến sát vùng đỉnh 10 năm qua.  

Vai trò của khô đậu tương trong chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi

Khô đậu tương là thành phẩm từ quá trình ép dầu hạt đậu tương. Nếu như trong đậu tương có khoảng 38 – 45% protein thì tỉ lệ tăng lên gần 50% sau quá trình chế biến và chiết xuất dầu. Nhờ giá trị dinh dưỡng cao, khô dầu đậu tương là một thành phần thức ăn hàng đầu trong chăn nuôi.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất thịt, nhu cầu khô đậu tương tại Việt Nam cũng không ngừng gia tăng trong những năm qua. Theo thống kê, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô đậu tương, cám, bột cá…) cho toàn ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng trong nước chỉ đạt khoảng 13 triệu tấn/năm, tương đương với 35% và phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung bên ngoài. Chỉ tính riêng mặt hàng khô đậu tương, năm 2022, Việt Nam mua khoảng 5,3 triệu tấn từ thị trường quốc tế và đứng thứ 3 trên bản đồ nhập khẩu thế giới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, khô đậu là mặt hàng có biến động cao trong nhóm nông sản. Nguồn cung thiếu bền vững có thể đẩy giá lên rất cao và trong giai đoạn từ đầu năm 2023, giá mặt hàng này vẫn đang ở trong xu hướng tăng mạnh và hiện vẫn đang duy trì ở quanh vùng đỉnh 10 năm. Mặc dù các loại nguyên liệu TĂCN khác đã hạ nhiệt hơn sau gần 2 năm kể từ chu kỳ “siêu tăng giá” nhưng khô đậu tương vẫn là bài toán khó cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Mùa vụ thiệt hại nặng nề của Argentina

Trong 3 gã khổng lồ đứng đầu về sản xuất nông nghiệp bao gồm Mỹ, Brazil và Argentina, Mỹ là nước có sản lượng đậu tương lớn nhất nhưng phần lớn nhu cầu lại tập trung vào xuất khẩu thô và tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, mặc dù chỉ đứng thứ 3 về nguồn cung đậu tương nhưng Argentina mới là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu khô đậu tương, chiếm 41% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, năm nay mùa vụ ở quốc gia Nam Mỹ này lại đang phải trải qua tình hình kém khả quan do thời tiết bất lợi. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải cho xu hướng ngược dòng của khô đậu tương so với các mặt hàng nông sản khác.

Argentina đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng gay gắt trong suốt 4 tháng qua và được mô tả là tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua. Tình hình vẫn đang trở nên tệ hơn nữa khi nhiều khu vực nông nghiệp trọng điểm tiếp tục ghi nhận nhiệt độ kỷ lục trong tháng 03. Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires của Argentina (BAGE) cho biết tổ chức sẽ tiếp tục cắt giảm ước tính sản lượng đậu tương niên vụ 2022/23 của nước này trong lần thứ tư khi cây trồng phải vật lộn với tác động của hạn hán và nhiệt độ cao. Con số này hiện đang được dự báo sẽ đạt 33,5 triệu tấn, giảm 30% so với kỳ vọng ban đầu và thấp hơn dự báo 41 triệu tấn mà Bộ nông nghiệp Mỹ đưa ra trong báo cáo Cung – cầu tháng 02.

Trong báo cáo mùa vụ hằng tuần, BAGE cảnh báo thời tiết khô nóng tiếp tục ảnh hưởng đến mùa màng khi 62,2% diện tích đang trong giai đoạn phát triển quan trọng. Không những thế, mùa vụ đậu tương còn đứng trước rủi ro từ những đợt sương giá sớm năm nay. Tính đến đầu tuần này, tỷ lệ đậu tương đạt chất lượng tốt và tuyệt vời của Argentina đã giảm xuống còn 2%, mức đánh giá thấp nhất niên vụ. Triển vọng nguồn cung từ quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đối với khô đậu tương đã khiến cho giá mặt hàng này ghi nhận mức tăng mạnh nhất nhóm nông sản kể từ đầu năm đến nay.

Nguồn cung thiếu chắc chắn của Mỹ trong niên vụ tới

Bên cạnh mùa vụ tại Nam Mỹ, hoạt động gieo trồng đậu tương của nông dân Mỹ trong vài tháng tới cũng đang là mối quan tâm của thị trường. Diễn đàn Triển vọng Nông nghiệp thường niên năm nay đã khai mạc và công bố dự báo đầu tiên về ước tính Cung – cầu nông sản Mỹ năm 2023. Báo cáo này sẽ được thảo luận và là cơ sở để đánh giá cho đến khi USDA công bố báo cáo Triển vọng Trồng trọt vào ngày 31/03. Cụ thể, diện tích gieo trồng đậu tương năm nay được dự báo sẽ không đổi so với năm ngoái ở mức 87,5 triệu mẫu, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức dự đoán của thị trường là 88,8 triệu mẫu.

Triển vọng nguồn cung sụt giảm mạnh của Argentina nhưng không được bù đắp bởi diện tích tại Mỹ như kỳ vọng sẽ khiến cho giá khô đậu tương sẽ khó có thể hạ nhiệt như ngô hay lúa mì. Theo ông Phạm Thanh Dương, Phó Tổng Giám đốc MXV, trong báo cáo Cung – cầu tháng 03 được phát hành vào tối nay, USDA có khả năng sẽ tiếp tục đánh giá triển vọng mùa vụ của Argentina ở mức kém khả quan và điều này sẽ là yếu tố tiếp tục hỗ trợ cho giá khô đậu tương.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv