Phiên sáng ngày 17/01, dữ liệu kinh tế suy yếu từ Trung Quốc phản ánh hoạt động kinh tế lẫn tiêu dùng người dân sụt giảm trong tháng 12, kéo theo tâm lý lo ngại về nhu cầu tiêu thụ đồng giảm khiến giá đồng tiếp tục gặp áp lực sau khi ghi nhận giảm vào hôm qua, chấm dứt đà tăng 07 phiên liên tiếp.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nước tiêu thụ đồng hàng đầu khiến triển vọng tiêu thụ tiếp tục suy yếu trong phiên hôm nay. Theo báo cáo số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt và sự sụt giảm của thị trường bất động sản đã kéo mức tăng trưởng kinh tế năm 2022 xuống mức tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ. Đối với năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ghi nhận tăng 3.0%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là khoảng 5.5% và giảm mạnh so với mức tăng trưởng 8.4% vào năm 2021.

Ngoài ra, sản lượng công nghiệp tăng 1.3% trong tháng 12 so với cùng kì năm trước, chậm lại so với mức tăng 2.2% trong tháng 11. Trong khi doanh số bán lẻ, thước đo tiêu dùng chính, giảm 1.8% trong tháng 12, kéo dài mức giảm 5.9% của tháng 11. Đầu tư vào bất động sản giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022, mức giảm đầu tiên kể từ năm 1999, so với mức giảm 9.8% trong 11 tháng đầu năm.

Mặc dù các số liệu đều vượt kỳ vọng cho thấy dấu hiệu nền kinh tế phục hồi trong dài hạn, tuy nhiên vẫn còn yếu. Do đó, dự báo giá đồng tiếp tục gặp áp lực trong phiên hôm nay, đặc biệt là khi nước này càng tiến gần hơn tới kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khiến hoạt động công nghiệp chậm lại, kéo theo nhu cầu sụt giảm. Theo nguồn tin của SMM (Shanghai Metals Market), tồn kho hiện tại trên các thị trường lớn của Trung Quốc đã tăng thêm 18,700 tấn so với thứ Sáu tuần trước lên mức 154,200 tấn.

Ngoài ra, về yếu tố vĩ mô, giá đồng cũng chịu áp lực khi đồng Dollar Mỹ phục hồi trở lại. Dollar Index hiện tăng 0.1%, khiến chi phí nắm giữ đồng tăng lên kéo theo lực mua giảm bớt.

 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv