Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, ngày 7/4 công bố biên bản cuộc họp chính sách ngày 16 – 17/3. Nội dung cho thấy các quan chức Fed ghi nhận kinh tế Mỹ đang phục hồi dần dần nhưng cần có thêm tiến triển trước khi điều chỉnh chính sách siêu nới lỏng hiện tại.

Các thành viên FOMC nói chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng “đang tạo ra sự hỗ trợ vững chắc cho nền kinh tế”.

“FOMC lưu ý cần thêm thời gian để có tiến triển hơn nữa hướng đến mục tiêu tối đa hóa việc làm và ổn định giá, phù hợp với định hướng dựa trên kết quả của ủy ban, chương trình mua tài sản tiếp tục với quy mô hiện tại cho đến lúc đó”.

Cụm “định hướng dựa trên kết quả” là sự thay đổi quan điểm của Fed – trước đây là điều chỉnh chính sách dựa trên lạm phát kỳ vọng. Theo biên bản, các thành viên FOMC nhất trí mọi thay đổi chính sách “nên dựa trên kết quả quan sát được hơn là dự báo”.

Thị trường không phản ứng nhiều trước những thông tin này, một số đặt câu hỏi liệu Fed có cần tiếp tục chính sách hỗ trợ “chưa từng có trong lịch sử” hay không.

FOMC sẽ phát hàng loạt tín hiệu trước khi có thay đổi, biên bản cho biết thêm.

Kết thúc cuộc họp tháng 3, Fed thông báo giữ nguyên lãi suất ở 0 – 0.25% như dự đoán trên thị trường. Fed giảm lãi suất về 0 – 0.25% từ giữa tháng 3/2020. Lãi suất này được dùng để quyết định lãi cho vay mua nhà, thẻ tín dụng và nhiều khoản vay khác tại Mỹ.

Ngoài ra, Fed còn tiếp tục duy trì chương trình mua tài sản ít nhất 120 tỷ USD mỗi tháng.

Fed kỳ vọng tăng trưởng GDP Mỹ năm nay là 6.5% trước khi hạ nhiệt trong những năm kế tiếp, theo dự báo kinh tế hàng quý từ các thành viên FOMC. Đây sẽ là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1984, khi kinh tế Mỹ tăng trưởng 7.2%, và cao hơn con số 4.2% đưa ra trong cuộc họp hồi tháng 12/2020.

Tăng trưởng GDP năm 2022 và 2023 kỳ vọng đạt 3.3% và 2.2% trước khi về mức 2.3% trong dài hạn. Tỷ lệ thất nghiệp năm nay dự báo là 4.5%, thấp hơn dự báo 5% đưa ra cuối năm ngoái.

Lạm phát được nhắc đến 64 lần trong biên bản nhưng giới chức Fed không quá lo ngại lạm phát sớm trở thành rắc rối.

Nguồn: mxvnews.com