Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) cho biết, chỉ số PMI sản xuất của nước này trong tháng Tư giảm xuống còn 60.7 điểm, sau khi đã tăng lên mức 64.7 trong tháng Ba – mức cao nhất kể từ tháng 12/1983. Trước đó, giới phân tích đưa ra dự đoán rằng, chỉ số này có thể đạt mức 65 điểm.

Trong bối cảnh nhu cầu được giải phóng sau khi tốc độ tiêm chủng tăng lên và các gói kích thích đến tay người dân, hoạt động sản xuất tăng trưởng chậm lại trong tháng Tư nhiều khả năng là do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong ngành công nghiệp ô tô, nơi tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu đã buộc Mỹ phải cắt giảm sản lượng. Các công ty công nghệ cũng đang cảm thấy sức nóng, Apple đã cảnh báo vào tuần trước rằng sự thiếu hụt chip có thể làm giảm doanh số iPad và Mac lên đến vài tỷ đô la.

Chỉ số giá sản xuất đã tăng lên 89.6, mức cao nhất kể từ tháng 07/2008.

Chỉ số đơn đặt hàng sản xuất mới giảm xuống 64.3, sau khi tăng lên mức 68.0 vào tháng Ba – mức cao nhất kể từ tháng 01/2004.

Lượng công việc chưa hoàn thành tồn đọng trong tháng trước cũng tăng lên và các đơn hàng xuất khẩu cũng vậy. Các nhà sản xuất bắt đầu giảm lượng hàng tồn kho vào tháng trước để đáp ứng nhu cầu. Các kho hàng kinh doanh gần như trống rỗng, điều này khiến các nhà sản xuất bận rộn và tranh giành nguồn lực trong một thời gian.

Chỉ số việc làm sản xuất đã giảm xuống 55.1 sau khi tăng lên 59.6 vào tháng Ba – mức cao nhất kể từ tháng 02/2018. Chỉ số này thấp hơn nhiều so với dự báo 61.5 trong một cuộc thăm dò ý kiến ​​của các nhà kinh tế, với sự chậm lại trong việc tuyển dụng có thể do khan hiếm người lao động. Các công ty trong nhiều ngành đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân khi các trường học chưa mở cửa trở lại.

Nguồn: mxvnews.com