Mở cửa phiên giao dịch ngày 07/02, giá ngô chỉ giằng co nhẹ quanh mức tham chiếu. Thị trường vẫn biến động đi ngang trong vùng giá cao, tương đương với cùng kì năm ngoái. Kể từ cuối năm ngoái, giá ngô ổn định hơn nhưng đang tiến sát dần lên vùng kháng cự tâm lí 700. Báo cáo Cung cầu tháng 2 này theo đánh giá của chúng tôi có thể sẽ mang đến bức tranh rõ ràng hơn cho triển vọng thị trường ngô, đặc biệt là đối với mùa vụ ở Nam Mỹ. 

Trong báo cáo tháng 1, số liệu của USDA đã gây bất ngờ với ước tính tồn kho ngô của Mỹ niên vụ 22/23 giảm xuống, thay vì tăng lên như dự đoán của thị trường. Hiện tại, thị trường đang dự đoán con số này sẽ tăng lên mức 1.26 tỉ giạ khi xuất khẩu của Mỹ thấp hơn so với cùng kì năm ngoái tới 43% do cạnh tranh từ Brazil. Chiến tranh ở Biển Đen đã làm thay đổi cán cân cung cầu thế giới về ngô. Xuất khẩu ngô của Brazil đang tăng mạnh, lập kỷ lục mỗi tháng, trong khi xuất khẩu ngô của Mỹ suy yếu. Mặc dù còn nhiều khả năng có thể xảy ra, nhưng điều này có nghĩa là Brazil sẽ thay thế Mỹ trở thành nước xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới lần đầu tiên trong lịch sử vào năm nay. Tuy nhiên, trong báo cáo này, các số liệu về cơ cấu cung cầu tại Mỹ nhiều khả năng sẽ không quá ảnh hưởng tới giá. Bên cạnh đó, vì Brazil đã cạn kiệt nguồn tồn kho ngô của vụ mùa trước nên xuất khẩu của Mỹ sẽ bắt đầu tăng từ nay đến tháng 7, khi ngô sanfrinha của Brazil bắt đầu được thu hoạch. 

Yếu tố được thị trường quan tâm nhất trong giai đoạn này là ảnh hưởng và thiệt hại đối với ngô ở Argentina và đây có thể sẽ là động lực tiếp tục thúc đẩy giá tăng. Sản lượng dự kiến của nước này được dự báo sẽ bị cắt giảm từ mức 52 triệu tấn xuống mức 48.5 triệu tấn và là nguyên nhân chính khiến cho tồn kho ngô thế giới niên vụ 22/23 có thể sụt giảm 2 triệu tấn. Do nguồn cung thắt chặt nhưng giá vẫn chỉ giằng co đi ngang nên nếu như số liệu thực tế xác nhận thì sẽ là yếu tố “bullish” sau báo cáo.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv