Giá lúa mì mở cửa phiên sáng nay đang dẫn đầu đà tăng của nhóm nông sản và hướng lên vùng kháng cự 700 do ảnh hưởng từ báo cáo Crop Progress. Nếu như vài tháng trước, lực bán ồ ạt trên thị trường lúa mì được lý giải bởi triển vọng nguồn cung tích cực ở các nước sản xuất lớn, đặc biệt là Nga thì hiện tại, tình hình xuất khẩu của nước này lại là một vấn đề đang gây ra lo ngại. Cùng với đó, triển vọng kém khả quan đối với mùa vụ lúa mì mùa đông của Mỹ cũng góp phần hỗ trợ giá.

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang gây khó khăn cho Đồng bằng phía Nam đã được phản ánh qua số liệu chất lượng lúa mì vụ đông trong báo cáo Crop Progress đầu tiên năm nay. Cụ thể, USDA ước tính tình trạng lúa mì vụ đông của Mỹ chỉ ở mức 28% từ tốt đến tuyệt vời, thấp hơn mức 30% cùng kì năm ngoái và cũng là mức thấp nhất trong vòng  thập kỉ vừa qua. Và với điều kiện khô hạn, nhiều gió dự kiến trong khu vực vào cuối tuần này, vụ mùa được dự báo cũng sẽ không có cải thiện đáng kể.

Trong khi đó, tại Nga, các công ty xuất khẩu ngũ cốc lớn gần đây đã đồng loạt tuyên bố ngừng hoạt động. Mới đây, công ty kinh doanh ngũ cốc toàn cầu Viterra mới đây đã tuyên bố sẽ ngừng mọi hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Nga kể từ ngày 01/07. Thông báo của Viterra được đưa ra một ngày sau khi đối thủ Cargill cho biết họ cũng sẽ rút lui khỏi thị trường ngũ cốc của Nga. Đáp lại những động thái này, Bộ Nông nghiệp Nga tuyên bố hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này sẽ không bị ảnh hưởng. Với vị thế là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, những thông tin trên khiến cho lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung từ Biển Đen và sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá lúa mì khó giảm sâu dưới vùng 700.

Ngoài ra, gần đây, thủ tướng các nước Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Slovakia đã kêu gọi EC thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế ngũ cốc giá rẻ của Ukraine gây ra. Khả năng EU có thể tái áp dụng thuế quan đối với ngũ cốc nhập khẩu từ Ukraine cũng góp phần tác động “bullish” với giá.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv