Mở cửa phiên giao dịch ngày 29/12, giá đậu tương chỉ giằng co nhẹ trên hỗ trợ tâm lí 1500. Phiên hôm qua đã xác nhận giá phá vỡ khỏi vùng giằng co đi ngang trong suốt vài tuần vừa qua. Chính những lo ngại đối với mùa vụ đậu tương đang chịu hạn hán nghiêm trọng ở Argentina đã đẩy giá tăng lên, đặc biệt là khi cây trồng đang bước vào giai đoạn phát triển quan trọng nhất vào tháng 1, 2 hàng năm. Bên cạnh đó, triển vọng nhu cầu đậu tương cũng đang dần có những tín hiệu và kỳ vọng lạc quan hơn.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo sẽ hạ cấp độ ứng phó Covid-19, ngừng cách ly bắt buộc với hành khách nhập cảnh nước này từ ngày 8/1/2023. Động thái trên được coi là bước tiếp theo nhằm nới lỏng dần chiến lược "Zero Covid" được Trung Quốc duy trì gần 3 năm qua, chuyển sang sống chung với dịch bệnh. Theo báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs, việc Trung Quốc mở cửa có thể mang lại tác động tích cực nhất lên du lịch quốc tế, rồi đến hàng hóa nhập khẩu. Chính sách phong tỏa tại Trung Quốc là một trong những lý do chính tạo sức ép lên giá đậu tương trong vài tháng qua. Nhu cầu thức ăn chăn nuôi của nước này năm nay cũng giảm do biên lợi nhuận ép dầu chỉ đạt mức âm. Vì thế, việc Trung Quốc tái gia nhập thị trường được kì vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu đậu tương trong năm tới. Và nếu khối lượng mua hàng của Mỹ dần tăng lên trong các báo cáo Export Sales hàng tuần thì đây sẽ là yếu tố “bullish” mạnh tới giá đậu tương.
Ngược lại, áp lực cạnh tranh ngắn hạn từ nguồn cung ở Argentina lại đang cản trở đà tăng của giá. Bộ Nông nghiệp Argentina cho biết, từ 15/12-21/12, các nhà sản xuất đã bán 730,300 tấn đậu tương, một trong những số liệu bán hàng hàng tuần cao nhất được ghi nhận trong những tháng gần đây nhờ chính sách tỷ giá hối đoái ưu đãi. Tuy nhiên, vì không phải yếu tố bất ngờ nên tác động “bearish” từ thông tin này sẽ hạn chế.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv