Thị trường kim loại quý trở thành điểm sáng đầu tư trong nửa cuối năm 2022 nhờ cả vai trò trú ẩn và tính ứng dụng cao trong công nghiệp.
Các phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 đang dần khép lại, đánh dấu một thời kỳ biến động với thị trường tài chính nói chung, và thị trường kim loại quý nói riêng. Hai mặt hàng bạc và bạch kim thường không nhận được nhiều sự chú ý như các nhóm tài sản tài chính khác như chứng khoán, tiền điện tử, hay dầu thô, tuy nhiên trong các thời điểm then chốt, thị trường bạc và bạch kim vẫn chứng tỏ được khả năng sinh lời đầy hấp dẫn của mình.
Chỉ báo tâm lý thị trường tài chính
Trong sáu tháng cuối năm, giá bạc tăng 12,43% lên 24,19 USD/ounce, còn giá bạch kim cũng tăng 7,43% USD/ounce. Đáng chú ý, mức tăng này vượt trội so với sự tăng giá của đồng USD, hay các loại hàng hóa khác như dầu thô và đồng.
Dù không phải thước đo phản ánh sức khỏe của nền kinh tế trên thế giới, nhưng diễn biến giá của bạc và bạch kim nói lên rất nhiều điều về tâm lý trên thị trường tài chính. Vốn được coi là tài sản trú ẩn, nên việc giá kim loại quý tăng trong khi giá các nguyên liệu sản xuất hàng đầu như dầu thô và đồng giảm, phản ánh những lo ngại về khả năng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Kể từ thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 năm nay, giá bạc và bạch kim đã liên tục lao dốc và bắt đầu hồi phục từ mức đáy của tháng 9. Trong giai đoạn này, bất chấp sức ép từ đồng USD, giá kim loại quý vẫn đi lên khi mà những lo ngại về suy thoái kinh tế lấn át những rủi ro khác.
Hiện triển vọng trong giai đoạn tới với nhóm kim loại quý vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các động thái của Fed. Theo công cụ theo dõi lãi suất của CME, xác suất các nhà chức trách tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản hiện đang là 74%, hoàn toàn áp đảo so với kỳ vọng tăng 50 điểm cơ bản.
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức, Sở Giao dịch Hàng Hóa Việt Nam, tốc độ tăng lãi suất của Fed đã chậm lại và điều này có thể tiếp tục khiến cho đồng USD suy yếu thêm. Chi phí nắm giữ cũng như đầu tư bạc và bạch kim giảm xuống sẽ là yếu tố tiếp tục hỗ trợ với giá của hai kim loại này.
Nhu cầu tiêu thụ hứa hẹn bùng nổ
Bên cạnh nhu cầu đầu tư và trú ẩn, các mặt hàng kim loại quý cũng được quan tâm nhờ tính ứng dụng cao trong các hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là năng lượng xanh. Bạc được ứng dụng rất nhiều để sản xuất pin năng lượng mặt trời, còn 40% nhu cầu tiêu thụ bạch kim mỗi năm được sử dụng để sản xuất xe hơi.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các nguồn năng lượng tái tạo đang trên đà vượt qua than đá để trở thành nguồn điện hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng công suất được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm tới.
Cơ quan này cũng dự kiến công suất tái tạo của thế giới sẽ tăng khoảng 2.400 Gigawatt (GW) trong giai đoạn 2022 – 2027, tương đương toàn bộ công suất điện lắp đặt của Trung Quốc hiện nay. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi các chính sách mở rộng đầy tham vọng tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc, và Liên minh châu Âu (EU).
Các quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt là Mỹ, đang tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo để giảm sự phụ thuộc vào than đá và dầu mỏ trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
Việc giá điện và nhiên liệu hóa thạch cao do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã làm cho các công nghệ năng lượng tái tạo trở nên hấp dẫn hơn về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga - Ukraine đã khiến các quốc gia ngày càng coi an ninh năng lượng của năng lượng tái tạo.
Theo Metals Focus, nhu cầu bạc toàn cầu tăng 16% lên 1,2 tỷ ounce tính đến giữa tháng 11, khiến cho thị trường bạc vẫn khan hiếm, và ở mức thâm hụt nguồn cung đáng kể nhất trong nhiều thập kỷ trong năm nay. Các nhà phân tức dự báo nguồn cung thiếu hụt khoảng 20% so với nhu cầu tiêu thụ, tương đương mức 6.000 tấn. Nhu cầu bạc trong các ngành công nghiệp đã ở mức kỷ lục vào năm 2022, đạt 15.280 tấn. Với rất nhiều quốc gia tập trung vào an ninh năng lượng, nhu cầu bạc sẽ tăng lên để đáp ứng việc lắp đặt các tấm pin mặt trời. Bên cạnh đó, lĩnh vực ô tô đang tiêu thụ nhiều bạc hơn khi mà hàm lượng bạc trung bình trên mỗi chiếc xe đang tăng lên.
Quá trình mở rộng hạ tầng cho các dự án năng lượng xanh tại Trung Quốc đang bị chậm lại do ảnh hưởng của dịch bệnh, vì thế các động thái nới lỏng hạn chế chống dịch tại Trung Quốc cũng củng cố cho kỳ vọng hồi phục của ngành năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Nhu cầu tiêu thụ với bạc và bạch kim trong các hoạt động sản xuất vì thế cũng được kỳ vọng sẽ tăng và củng cố cho đà tăng của các kim loại này.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv