Tình trạng thiếu than ở Trung Quốc đang được xoa dịu nhờ những chính sách mới của chính phủ, Commonwealth Bank of Australia cho biết ngày 2/11.
Theo báo cáo của ngân hàng này, số lượng các tỉnh ở Trung Quốc bị thiếu điện đáng kể giảm xuống còn 2 vào giữa tháng 10, từ mức 18 vào đầu tháng. Cung thiếu hụt so với cầu hơn 10%.
“Số nhà máy điện than có dự trữ than ở mức cực kỳ thấp (đủ dùng cho chưa đến 7 ngày) cũng giảm 90% trong cùng kỳ”, giới phân tích của ngân hàng cho hay. 
Tình trạng thiếu than ở Trung Quốc trở nên tồi tệ từ tháng 9, khiến chính quyền các địa phương đột ngột thông báo cắt điện tới nhiều nhà máy. Kết quả, sản lượng của các nhà máy giảm và một số chuyên gia kinh tế hạ dự báo về tăng trưởng GDP của cả nước.
PMI sản xuất của Trung Quốc rơi vào vùng suy giảm trong tháng 9 và 10. GDP quý III yếu hơn dự đoán của giới phân tích và nhiều ngân hàng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm của nước này.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách giải quyết tình trạng thiếu than bằng nhiều biện pháp, từ việc can thiệp vào hoạt động đầu cơ giá than tương lai đến chính sách cho phép sản xuất nhiều than hơn. Họ thực hiện các chính sách này bất chấp áp lực từ mục tiêu về giảm lượng khí thải carbon.
Sự cấp bách của tình trạng thiếu điện khiến các nhà chức trách phải đưa ra các tiếp cận khác đối với ngành than nhằm đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng.
Giữa tháng 10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết các tổ chức tài chính không nên mù quáng cắt khoản vay cho các dự án than, theo tài liệu CNBC thu thập được.
Cùng lúc đó, Cục Quản lý Nhà nước về An toàn Mỏ than của Trung Quốc cho hay sản lượng than toàn quốc có thể tăng khoảng 600 tấn một ngày, với tổng sản lượng là 55 triệu tấn trong quý IV.
Trung Quốc cũng mua than để bù đắp thiếu hụt, với khối lượng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch này tăng 76% vào tháng 9 so với một năm trước. Trong đó, họ tăng nhập khẩu than nhiệt, nhiên liệu chính để sản xuất điện, từ Nga và Indonesia.
Giá hợp đồng than nhiệt tương lai giao dịch trên Sàn giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu gần gấp 3 lần trong giai đoạn từ tháng 12/2020 đến ngày 19/10. Tuy nhiên, kể từ khi lên kỷ lục ở 1.982 nhân dân tệ/tấn (310 USD), giá than nhiệt đã giảm hơn 50%, theo Wind Information.
Kể từ khi chính phủ Trung Quốc ấn định giá điện, các nhà sản xuất điện bắt đầu gặp khó trong hoạt động do chi phí tăng mạnh khi giá than lên cao.
Hồi giữa tháng 10, cơ quan hoạch định kinh tế quốc gia của Trung Quốc cho biết sẽ cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc thiết lập giá điện. Trong vài tuần qua, họ cũng liên tục nhấn mạnh rằng sẽ ngăn chặn tình trạng đầu cơ giá than.

Nguồn: ndh.vn