Lúa mì tạo gapup và đang là mặt hàng nông sản có mức tăng mạnh nhất nhóm trong phiên giao dịch sáng nay. Bên cạnh thời tiết ở các nước sản xuất chính, lo ngại về hoạt động xuất khẩu ở Biển Đen sẽ lại một lần nữa bị cắt đứt là yếu tố chính được thị trường quan tâm hàng đầu trong giai đoạn hiện tại.

Chuyến tàu cuối cùng theo thỏa thuận biển Đen do Liên Hợp Quốc làm trung gian đã rời cảng Odesa vào cuối tuần vừa rồi, trước khi thỏa thuận hết hạn vào hôm nay, hãng tin Reuters cho biết. Nga đã không đồng ý đăng ký bất kỳ tàu mới nào kể từ ngày 27 tháng 06 và thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày mai nếu Moscow không đồng ý gia hạn. Một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết rằng Tổng thư ký Antonio Guterres đang chờ phản hồi của Tổng thống Nga Putin về việc gia hạn thỏa thuận. Ông Putin đã nói với Tổng thống Nam Phi rằng các cam kết loại bỏ trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga vẫn chưa được thực hiện, điện Kremlin cho biết.

Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc vẫn đang nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận khác giữa Nga và Ukraine để duy trì nguồn cung ngũ cốc qua Biển Đen, mặc dù chưa có tiến triển nào. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng thỏa thuận sẽ không được gia hạn cho đến khi Nga có thể khôi phục xuất khẩu phân bón và lệnh trừng phạt ngân hàng của phương Tây sẽ được dỡ bỏ. Ukraine và Nga nằm trong số các nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, trong đó xuất khẩu lúa mì từ 2 nước này chiếm khoảng 30% thương mại toàn cầu. Con số này cũng thể hiện vị trí quan trọng của lúa mì từ Biển Đen đối với cơ cấu cung cầu. Việc nguồn cung từ khu vực này lại một lần nữa bị gián đoạn kể từ sau chiến tranh đã gây ra lo ngại cho thị trường và thúc đẩy giá tăng mạnh. Theo chúng tôi, đà tăng có thể sẽ mở rộng nếu như Nga vẫn chưa cho thấy tín hiệu tích cực hơn trong vài ngày tới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv