Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô đang quay đầu tăng mạnh trở lại cùng với đà tăng của lúa mì. Thị trường tiếp tục phản ứng với số liệu diện tích gieo trồng của Mỹ thu hẹp cùng với hoạt động xuất khẩu không mấy tích cực của Ukraine bất chấp việc thay thế bằng đường sắt. Tuy nhiên, liệu mức tăng này có duy trì hay nhanh chóng suy yếu như phiên công bố báo cáo Triển vọng gieo trồng vào tuần trước vẫn đang là mối quan tâm của thị trường trong vài phiên tới.

Trong tuần này, 2 báo cáo về Cung – cầu quan trọng sẽ được CONAB và USDA công bố lần lượt vào tối thứ 4 và thứ 5. Tuy nhiên, theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), các số liệu trong tháng 4 này sẽ không tạo ra nhiều biến động mạnh do dự kiến sẽ không có quá nhiều thay đổi đáng kể. Nông dân Argentina và Brazil đều đang trong giai đoạn thu hoạch, thời điểm mà cây trồng đã gần như phát triển hoàn toàn và sản lượng không còn bị ảnh hưởng bởi việc thiếu hụt độ ẩm. Và nếu USDA có hạ dự báo thêm thì điều này cũng là phản ánh chậm hơn so với các hãng tin hay tổ chức khác, điều này đồng nghĩa với việc mức cắt giảm trên đã được phản ánh vào đà tăng trước đó của ngô. Không những thế, triển vọng ngô vụ 2 của Brazil tích cực hơn cũng khiến cho tác động từ số liệu về mùa vụ ở Nam Mỹ trong 2 báo cáo trên tới giá ngô sẽ càng thiên về “bearish” hơn.

Ngược lại, triển vọng diện tích gieo trồng ở Mỹ vẫn sẽ tiếp tục là yếu tố hạn chế đà giảm của giá ngô trong tuần này tới khi giá phân bón vẫn đang duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, một yếu tố khác cũng cần phải lưu ý là xu hướng giá đậu tương do tỉ lệ giá đậu tương/giá ngô sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận và ảnh hưởng tới quyết định gieo trồng thực tế của nông dân trong vài tháng tới. Việc giá đậu tương đứng trước các yếu tố “bearish” mạnh khiến giá giảm nhiều hơn ngô trong tuần trước cũng có thể khiến việc gieo trồng ngô sẽ có giá trị hơn và diện tích gieo trồng thực tế có thể cao hơn. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp

Khánh Linh

Nguồn: Mxv