Trái với xu hướng tăng trong phiên sáng nay của cả nhóm nông sản, lúa mì là mặt hàng duy nhất suy yếu. Mặc dù cuối tuần vừa rồi đã xuất hiện thông tin tiêu cực về triển vọng của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, tuy nhiên điều đó là không đủ để giúp giá lúa mì đảo ngược xu hướng giảm hiện tại.

Trong hai báo cáo quan trọng được phát hành vào cuối tuần trước, chỉ có báo cáo Grain Stocks là có sự thay đổi đáng chú ý nhất đối với lúa mì, trong khi diện tích trồng lúa mì năm nay của Mỹ trong báo cáo Acreage 2023 chỉ chênh lệch rất nhỏ so với dự đoán trung bình của thị trường. Tồn kho lúa mì tính tới 01/06/2023 (đồng thời cũng là số chốt niên vụ 22/23) của Mỹ chỉ đạt 580 triệu giạ, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời là mức thấp nhất từng được ghi nhận cho giai đoạn này kể từ năm 2008, khi tồn kho chỉ đạt 306 triệu giạ. Mặc dù gây bất ngờ cho thị trường khi nằm dưới khoảng dự đoán 588-690 triệu giạ, nhưng dữ liệu tồn kho gần như không thể giúp giá lúa mì đảo chiều tăng trở lại sau khi báo cáo được công bố. Nguyên nhân chủ yếu là bởi chất lượng và triển vọng vụ mùa mới của Mỹ đang được cải thiện nhờ thời tiết diễn biến thuận lợi hơn trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, nhu cầu đối với lúa mì Mỹ trên thị trường quốc tế cũng đang ở mức thấp do sự cạnh tranh của nguồn cung từ châu Âu, Nga và Australia. Đây là những yếu tố gây áp lực lên giá trong dài hạn nên sự sụt giảm tồn kho lúa mì của Mỹ sẽ khó có thể giúp giá hồi phục ngay lập tức.

Đối với nguồn cung từ Biển Đen, Bộ Ngoại giao Nga vào cuối tuần trước cho biết không có lý do để Moscow tiếp tục gia hạn thỏa thuận ngũ cốc sau ngày 17/07 tới. Quan điểm này được đặc phái viên của Nga tại Liên Hợp Quốc tái khẳng định vào ngày hôm nay, trong bối cảnh các yêu cầu của Nga để gia hạn thỏa thuận vẫn đang bị phương Tây bỏ ngỏ. Dù vậy, đây không phải lần đầu tiên phía Nga đưa ra những đe dọa như vậy, do đó thị trường vẫn chưa vội phản ứng với thông tin này.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv