Mở cửa phiên giao dịch ngày 13/10, giá lúa mì đang hồi phục trở lại sau phiên suy yếu do ảnh hưởng từ các số liệu của báo cáo Cung – cầu tháng 10. Những nghi ngờ của thị trường về việc USDA đang phản ánh chậm trễ mùa vụ thuận lợi năm nay của Nga và kỳ vọng vào sự điều chỉnh ở các báo cáo sau đã khiến lúa mì trở thành mặt hàng giảm mạnh nhất trong phiên hôm qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, lực bán sẽ khó duy trì do nhìn chung, nguồn cung lúa mì toàn cầu vẫn đang thắt chặt khi mùa vụ ở các nước sản xuất lớn khác đang đứng trước nguy cơ thiệt hại đáng kể so với dự kiến ban đầu.

Quốc gia hiện đang gặp bất lợi về thời tiết nhất là Argentina. Trung tâm nghiên cứu hàng hóa của Refinitiv mới đây đã giảm dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 22/23 của nước này xuống còn 16.4 triệu tấn, giảm 3% so với dự báo trước đó, do hạn hán trên vùng đồng bằng Pampas tiếp tục trở nên tồi tệ hơn. Nhiệt độ dự kiến sẽ duy trì ở mức trung bình vào cuối tháng 10, nhưng không có dấu hiệu cho thấy khô hạn sẽ kết thúc. Hầu hết các vùng sản xuất lúa mì chính của Argentina (trừ La Pampa) đều ghi nhận độ ẩm đất thấp nhất trong vòng 5 năm. Nếu như mô hình La Nina tái xuất hiện trong năm thứ 3 liên tiếp nữa thì độ ẩm sẽ càng trở nên thâm hụt hơn nữa và khiến cho cây trồng liên tục chịu căng thẳng trong suốt giai đoạn phát triển vì thiếu nước.

Tại Mỹ, mặc dù tồn kho lúa mì cuối niên vụ 22/23 được dự báo ở mức 576 triệu giạ, cao hơn so với mức 563 triệu giạ trong báo cáo trước đó nhưng đây vẫn là mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Ngoài ra, dự báo thời tiết ngắn hạn cho thấy khí hậu sẽ đột ngột chuyển sang lạnh trong tuần tới trên khắp các vùng Đồng bằng và Midwest. Hiện tượng lạnh bất thường cũng có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 02 năm sau, tiềm ẩn nguy cơ lúa mì bị thiệt hại do băng giá.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)  

 

 

Nguồn: Mxv