Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày giao dịch đầu tiên của tháng 11, lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa. Đặc biệt, mức tăng rất mạnh của các mặt hàng kim loại đã kéo chỉ số MXV-Index tăng gần 0,6% lên 2.479 điểm.

Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 4.900 tỷ đồng, cao hơn gần 20% so với mức trung bình của tháng 10.

Giá kim loại đồng loạt hồi phục mạnh mẽ

Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/11, giá các mặt hàng trong nhóm kim loại đều phục hồi mạnh mẽ nhờ vào sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ. Giá bạc và bạch kim đều ghi nhận mức tăng mạnh trên 2% lần lượt lên 19,66 và 950,5 USD/ounce. 

Dollar Index giảm mạnh trong phiên sáng đã hỗ trợ sức mua cho hầu hết các mặt hàng kim loại quý. Kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed giảm tốc trong quá trình tăng lãi suất từ tháng 12 là yếu tố lớn nhất khiến cho đồng Dollar có lúc giảm tới 0,7%. Trong các phát biểu gần đây, một vài quan chức Fed cho biết đã đến lúc để thảo luận lại về tiến trình tăng lãi suất.Theo Uỷ ban Giao dịch Hàng hoá tương lai CFTC, vị thế mua ròng Dollar Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3. Tuy vậy, Dollar Index nhanh chóng tăng trở lại trong phiên tối, khi dữ liệu Cơ hội việc làm tháng 9 của Cục thống kê Lao động Mỹ cho thấy số vị trí tuyển dụng đạt 10,7 triệu, cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 1 người Mỹ tìm việc thì có 2 vị trí trống. Thị trường lao động vững mạnh tạo điều kiện cho Fed giữ khả năng tăng lãi suất mà không phải quá lo ngại về ảnh hưởng đến nền kinh tế.  

Trong khi đó, giá các mặt hàng kim loại cơ bản được hỗ trợ với thông tin Trung Quốc có thể sắp xem xét để mở cửa trở lại, dù chưa có thông tin chính thức. Bên cạnh đó, nhập khẩu đồng tăng 2,36% so với tháng trước, đạt 509.954 tấn cũng hỗ trợ tâm lý thị trường, bất chấp các khó khăn hiện tại của các công ty xây dựng. Giá đồng tăng 2,89% lên 3,47 USD/pound, trong khi đó giá quặng sắt tăng 1,21% lên 78,1 USD/tấn. Giá nickel trên sở LME tăng mạnh 7% lên 23.450 USD/tấn trong bối cảnh các nhà sản xuất cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động để phục vụ cho ngành xe điện.  

Lực mua quay trở lại thị trường dầu thô

Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/11, lực mua mạnh mẽ quay trở lại thị trường dầu thô sau 2 phiên giảm liên tiếp, được hỗ trợ bởi đà suy yếu của đồng Dollar Mỹ và kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 trên Sở NYMEX đóng cửa tăng 2,13% lên mức 88,37 USD/thùng, dầu Brent kỳ hạn tháng 1 trên Sở ICE tăng 1,98% lên mức 94,65 USD/thùng. 

Diễn biến giằng co đầu phiên giao dịch ngày hôm qua của dầu thô đã bị phá vỡ trước một số thông tin trên mạng xã hội Trung Quốc cho rằng một ủy ban đang được thành lập để đánh giá các kịch bản về cách thoát khỏi chính sách Zero-Covid trong thời gian tới. Kỳ vọng về sự mở cửa trở lại tại Trung Quốc đã hỗ trợ cho giá dầu bật tăng mạnh mẽ ngay sau đó. Ngoài ra, sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ cũng góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu. 

Thêm vào đó, theo Bloomberg, dòng chảy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ các quốc gia Trung Đông như Saudi Arabia, UAE và Iraq trong tháng 10 đang khá tích cực, trong bối cảnh Trung Quốc có xu hướng tăng cường bổ sung dầu vào các kho dự trữ và các nhà máy lọc dầu sản xuất nhiều nhiên liệu cũng như xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm tinh chế cũng đã hỗ trợ cho giá. Cụ thể, Trung Quốc đã tiếp nhận khoảng 4 triệu thùng/ngày từ khu vực này trong tháng 10, trong đó dòng chảy dầu thô từ UAE đến Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2017. 

Trong khi đó, rủi ro từ phía nguồn cung tiếp tục là một ẩn số. Các biện pháp trừng phạt mới của G7 và Liên minh châu Âu đối với xuất khẩu dầu của Nga sẽ có tác động không tốt đến dòng chảy và giá dầu trên thế giới. Có thể Nga sẽ tìm cách tăng cường chuyển hướng dòng chảy dầu tới khu vực châu Á, tuy nhiên trong ngắn hạn, thị trường dự kiến ​​sẽ thiếu hụt tối đa 2 triệu thùng dầu/ngày của Nga trong trường hợp các biện pháp áp đặt trần giá có hiệu lực vào ngày 5/12. 

Rạng sáng nay, báo cáo của API cho biết tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm mạnh trở lại trong tuần kết thúc ngày 28/10, với mức giảm mạnh 6,5 triệu thùng, trái với dự đoán tăng nhẹ 400.000 thùng của thị trường. Tồn kho xăng cũng giảm mạnh 2,6 triệu thùng, cho thấy nhu cầu tiêu thụ tương đối lạc quan, nhiều khả năng sẽ là yếu tố hỗ trợ giá dầu tiếp tục tăng trong phiên sáng. 

Giá xăng dầu trong nước tăng lần thứ 3 liên tiếp

Trên thị trường nội địa, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng cùng chiều giá thế giới. Cụ thể, chiều 1/11, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ Bình ổn, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: giá xăng RON 95-III tăng thêm 410 đồng một lít, lên mức giá 22.750 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng tăng đồng thêm 380 đồng, lên 21.870 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng giá, với dầu diesel là 290 đồng một lít; dầu hoả 120 đồng và dầu mazut 190 đồng mỗi kg. Sau điều chỉnh, diesel có mức giá mới là 25.070 đồng; dầu hoả 23.780 đồng và mazut 14.080 đồng.

So với hồi tháng 1, mỗi lít xăng RON 95-III rẻ hơn khoảng 2.100 đồng một lít, còn dầu diesel đắt thêm 6.800 đồng.

Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 3 liên tiếp của giá xăng từ giữa tháng 10 đến nay. Còn tính từ đầu năm, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay đã qua 29 kỳ điều chỉnh, trong đó 15 lần tăng, 14 lần giảm. Theo MXV, điều chỉnh này là phù hợp với xu hướng giá trên thế giới khi nguồn cung trong nước phần lớn vẫn đến từ nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cũng là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp kinh doanh sau một thời gian dài chiết khấu thấp.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)

 

 

 

 

Nguồn: Mxv