Trong phiên sáng, thị trường kim loại quý chịu sức ép lớn trước sức ép từ đồng USD, phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index tiếp tục nối dài đà phục hồi lên gần mức 102,40 điểm, khiến cho chi phí nắm giữ kim loại quý trở nên đắt đỏ hơn so với các đồng tiền thương mại khác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn đang khá ảm đạm, giá của các mặt hàng kim loại quý như bạc và bạch kim có thể sẽ được hỗ trợ khi vai trò trú ẩn an toàn của nhóm này được thúc đẩy.
Dữ liệu chính thức từ Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố sáng nay tiếp tục cho thấy sự sụt giảm mạnh trong hoạt động thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 7 giảm mạnh 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng giảm 9,8% của thị trường và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Trong khi đó, Mỹ đang là quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa của Trung Quốc nhất. Điều này gián tiếp cho thấy nhu cầu tiêu thụ của Mỹ đang khá yếu, khiến đồng USD gặp áp lực và hỗ trợ giá của các mặt hàng kim loại quý.
Ngoài ra, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) đã công bố dữ liệu lạm phát của Đức trong tháng 7. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Đức duy trì mức 0,3%, không đổi so với tháng trước. Trên cơ sở hàng năm, CPI của Đức tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, hạ nhiệt từ mức 6,4% trong tháng 6. Mặc dù lạm phát của Đức đã có dấu hiệu hạ nhiệt tuy nhiên vẫn đang ở mức cao, cho thấy nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có thể vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian tới. Đồng Euro khi đó sẽ được hưởng lợi, gây áp lực lên đồng USD và hỗ trợ giá kim loại quý.
Vào tối nay, Mỹ sẽ công bố các dữ liệu xuất nhập khẩu trong tháng 7. Đây sẽ là các thông tin quan trọng phản ánh tình hình hoạt động thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu dữ liệu thực tế tích cực, đồng USD sẽ được hưởng lợi và gây áp lực lên giá các mặt hàng kim loại quý và ngược lại, giá kim loại quý sẽ được hỗ trợ khi dữ liệu thực tế cho thấy tín hiệu tiêu cực.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv