Sau 2 phiên phục hồi, lực bán đang có xu hướng quay trở lại thị trường đồng trước sức ép vĩ mô và triển vọng nhu cầu kém sắc sau dữ liệu về hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của quốc gia này đã tăng 7.1% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, bỏ lỡ ước tính trung bình 12.8% của các chuyên gia kinh tế. Con số này cũng đã giảm mạnh so với mức tăng trưởng 18% vào hồi tháng 7 và là mức tăng chậm nhất kể từ tháng Tư năm nay. Cần lưu ý rằng, Trung Quốc là quốc gia có nền sản xuất khổng lồ và hoạt động xuất khẩu là động lực quan trọng hàng đầu, đã góp phần vào khoảng 1% tăng trưởng GDP của quốc gia này trong năm trước. Sự suy yếu trong hoạt động xuất nhập khẩu không chỉ phản ánh những trở ngại trong hoạt động kinh tế của đất nước tiêu thụ kim loại hàng đầu này, mà còn cho thấy nhu cầu trên toàn cầu đang có xu hướng sụt giảm, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Trước bức tranh thương mại quốc tế kém sắc của Trung Quốc trong tháng 8, nhiều khả năng dữ liệu xuất nhập khẩu của nước Mỹ công bố vào tối nay cũng sẽ khá tiêu cực, bởi Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu hàng đầu của Mỹ. Điều đó có thể tiếp tục làm gia tăng áp lực bán lên thị trường đồng trong phiên tối.

Bên cạnh đó, nhập khẩu đồng của Trung Quốc trong tháng 8 đã tăng lên 34,495 tấn so với tháng 7, tương đương với 7.4%. Con số này cũng tăng lên 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu đồng tại quốc gia này tăng lên trong bối cảnh tồn khi thấp, trong khi cuộc khủng hoảng điện làm hạn chế nguồn cung trong nước và mức giá khá cạnh tranh. Tuy nhiên, các nhà nhà máy luyện đồng đang bắt đầu trở lại hoạt động, lượng đồng nhập khẩu tăng trong khi nhu cầu vẫn đang gặp nhiều thách thức do hàng loạt các thành phố lớn tiếp tục phong toả vì dịch bệnh cũng sẽ khó hỗ trợ cho giá trong ngắn hạn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv