Trong một tuần trở lại đây, giá đồng đang cho thấy xu hướng dao động với biên độ khá hẹp sau khi trượt dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng. Các thông tin hiện tại phần lớn đều phản ánh bức tranh không mấy khả quan cho triển vọng kinh tế, từ đó gây sức ép đối với thị trường đồng.

Mới đây, dữ liệu trên thị trường bất động sản, vốn chiếm khoảng 18% GDP của Mỹ tiếp tục cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Doanh số bán nhà giảm tháng thứ 5 liên tiếp xuống mức 5.12 triệu căn trong tháng 6, tương đương với mức giảm 5.4% so với tháng trước đó. Lãi suất tăng cao khiến cho các khoản vay thế chấp bất động sản trở nên đắt đỏ hơn và làm hạn chế nhu cầu mua nhà của người tiêu dùng. Tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực bất động sản sẽ làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, khoảng 40% lượng cầu về đồng tại Mỹ phục vụ cho lĩnh vực xây dựng. Do đó, nhu cầu về đồng vẫn sẽ khó có thể được hỗ trợ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, về cơ bản, các thông tin tiêu cực đã được thị trường hấp thụ và giá đồng đã liên tục chịu sức ép bán tháo trước đó. Trong khi tâm lý các nhà đầu tư đang tương đối tích cực khi xem xét các kết quả kinh doanh khả quan hơn kỳ vọng của các doanh nghiệp. Niềm tin rằng suy thoái có thể chưa đến sớm đã hạn chế đà giảm sâu của đồng như giai đoạn tháng trước.

Tối nay, tâm điểm của thị trường hướng về cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) khi lần đầu tiên tăng lãi suất sau 11 năm, nhằm bình ổn đà tăng phi mã của giá cả hàng hoá. Vào tháng trước, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde khẳng định mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, theo các nguồn tin gần đây cho biết, khả năng ECB sẽ bổ sung 0.5 điểm phần trăm trong cuộc họp lần này khi mà lạm phát đang vượt kỳ vọng của thị trường. Điều này tiếp tục làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng chậm lại đối với khu vực tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh, vốn chiếm lượng lớn nhu cầu về đồng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv