Đồng đã gặp áp lực giảm giá trong phiên giao dịch ngày 21/04 do triển vọng tiêu thụ tiêu cực, khi các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và là nước nhập khẩu đồng lớn thứ 2, đang đối mặt với tình hình lạm phát nghiêm trọng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, đã tăng 3.8% trong tháng 3, đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981.

Tình hình lạm phát nóng lên thúc đẩy kỳ vọng thị trường vào việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới để kiềm chế lạm phát. Từ đó làm triển vọng nhu cầu tiêu thụ tiêu cực hơn ở quốc gia này và gây sức ép lên giá đồng.

Áp lực giảm giá của kim loại đồng còn đến từ việc đồng USD mạnh lên trên thị trường.

Kỳ vọng ngày càng lớn vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 5 đã hỗ trợ cho đồng USD, chỉ số Dollar Index sáng nay tăng lên mức 101.99 điểm đã phần nào gây áp lực lên giá đồng. Hiện có khoảng hơn 80% các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 5, theo CME FedWatch Tool.

Đồng thời, lo ngại suy thoái kinh tế tại Mỹ cũng đang đè nặng lên triển vọng tiêu thụ đồng tại nền kinh tế hàng đầu thế giới này. Vào tối nay, các số liệu cung cấp thêm manh mối về tình hình kinh tế Mỹ sẽ được công bố, bao gồm chỉ số quản trị mua hàng (PMI) sản xuất. PMI sản xuất của châu Âu cũng sẽ được công bố. Những dữ liệu này sẽ tạo sức ép tới giá đồng nếu như nó tiêu cực hơn dự báo.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv