Giá đồng đang có xu hướng phục hồi trở lại sau khi test lại kháng cự 3.79 USD/pound. Nhiều khả năng đà tăng sẽ được duy trì, trong khi thị trường đang hướng về tâm điểm báo cáo lạm phát tháng 11 của Mỹ, thông tin sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các quyết định và kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.

Chiều nay, Đức cũng đã công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI với mức tăng 10% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, hạ nhiệt từ mức 10.4% trong tháng trước. Con số này cũng phù hợp với ước tính từ các nhà kinh tế và cũng là lần đầu tiên hạ nhiệt trong 4 tháng qua, Điều này cũng góp phần củng cố cho niềm tin Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất chậm lại ở mức 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tuần này. Tâm lý này cũng sẽ góp phần củng cố niềm tin tương tự đối với Fed. Dollar Index hiện đang giảm trở lại và sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng.

Bên cạnh đó, yếu tố từ thị trường Trung Quốc vẫn đang hỗ trợ cho lực mua trên thị trường đồng. Các nhà phân tích kinh tế ở Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền mở rộng thâm hụt tài chính chính thức của nó và bán được nhiều hơn trái phiếu chung để thúc đẩy tăng trưởng và giảm gánh nặng nợ nần của chính quyền địa phương. Goldman Sachs ước tính Trung Quốc sẽ nâng thâm hụt tài khóa hẹp lên 3.2% GDP vào năm 2023 từ mức 2.8% trong năm nay, đồng thời cho phép chính quyền địa phương bán 4 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt mới. Điều này thể hiện sự tăng chi cho kích thích kinh tế và là động lực cho tiêu thụ kim loại cơ bản là nguyên liệu đầu vào quan trọng như đồng.

Ngoài ra, yếu tố “bullish” khác lên giá đồng là rủi ro nguồn cung từ phía mỏ đồng lớn thứ 8 trên thế giới Las Bambas. Các thành viên cộng đồng Peru đã chặn một đường cao tốc hành lang khai thác quan trọng gần thành phố Cusco trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối tổng thống mới của đất nước. Đây là mỏ đồng cung cấp chủ yếu cho Trung Quốc.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv