Sau phiên phục hồi ngày hôm qua, lực bán cho thấy xu hướng quay trở lại thị trường đồng trong bối cảnh hoạt động sản xuất tại các nền kinh tế lớn trên thế giới suy yếu. Chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất tại Mỹ giảm từ mức 52.2 vào tháng 7 xuống mức 51.3 trong tháng 8. Tại Anh, các nhà máy bất ngờ thu hẹp quy mô hoạt động, thể hiện qua PMI sản xuất về dưới ngưỡng 50, sụt giảm mạnh từ 52.1 xuống 46.0 vào tháng 8 và là mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm. Con số này tại khu vực EU giảm nhẹ nhưng vẫn ở dưới ngưỡng 50 trong tháng thứ 2 liên tiếp. Bức tranh hoạt động sản xuất tiêu cực tại các nền kinh tế lớn trong tháng 8 có thể tiếp tục gây áp lực tới giá đồng trong phiên tối.

Về mặt vĩ mô, đồng Dollar Mỹ nhiều khả năng vẫn sẽ neo ở mức cao khi thị trường chưa chắc chắn về mức tăng lãi suất của Fed, ít nhất là cho đến trước cuộc họp của chủ tịch Fed tại Jackson Holes vào cuối tuần này. Thêm vào đó, đồng Euro trượt dốc và lần đầu tiên rơi xuống dưới mức ngang giá so với đồng USD sau 2 thập kỷ. Đồng bảng Anh cũng đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 so với đồng bạc xanh trước rủi ro suy thoái ngày càng cao. Vì vậy, nhu cầu trú ẩn đối với đồng Dollar Mỹ được thúc đẩy sẽ là yếu tố khiến giá đồng chịu nhiều sức ép trong phiên tối.

Tuy nhiên, tại thị trường Trung Quốc, triển vọng tiêu thụ đang có dấu hiệu khởi sắc sẽ là yếu tố cản trở đà giảm mạnh của đồng. Theo hãng tin SMM, hoạt động sản xuất của các lò luyện ở miền Đông và miền Trung Trung Quốc, những nơi bị ảnh hưởng bởi việc phân bổ điện trước đó, đã có những dấu hiệu cải thiện. Ngoài ra, dòng đồng nhập khẩu đang dần tăng lên và điều kiện thời tiết ở khu vực phía Đông khả quan hơn có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng trong thời gian tới. Mặc dù vậy, trong phiên hôm nay, giá đồng nhiều khả năng vẫn sẽ chịu sức ép vĩ mô lấn át khi thị trường đang tập trung phân tích các hành động của Fed trong tương lai.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv