Bất chấp những thông tin tiêu cực, đặc biệt là ảnh hưởng bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, đồng vẫn đang đón nhận lực mua tích cực sau khi vượt qua kênh xu hướng giảm, với lo ngại về nguồn cung thắt chặt và kỳ vọng một số hỗ trợ cho ngành bất động sản tại Trung Quốc có thể giúp cải thiện bức tranh tiêu thụ.

Phiên hôm nay, với vai trò là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế, giá đồng nhiều khả năng sẽ phản ứng mạnh với các yếu tố vĩ mô, trong đó trọng tâm là dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 10. Thị trường đang kỳ vọng rằng chỉ số giá tiêu dùng CPI Mỹ sẽ tăng chậm lại trong tháng 10 ở mức 8.0% so với mức tăng 8.2% trong tháng 9.

Với tình hình sản xuất chậm lại tại Mỹ, thông qua dữ liệu PMI sản xuất tiêu cực trong tháng 10. Thêm vào đó, thị trường lao động trong tháng 10 của quốc gia này cũng cho thấy một vài sức ép trong môi trường lãi suất tăng cao. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 3.5% lên mức 3.7% trong tháng 10, trong khi tốc độ tăng trưởng tiền lương cũng ở mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua. Điều này có thể thúc đẩy tâm lý tiết kiệm của người tiêu dùng. Mức chi tiêu ít đi cũng sẽ góp phần hạ nhiệt giá cả và do đó, lạm phát của Mỹ cũng sẽ chậm lại trong tháng 10. Trong trường hợp này, các nhà đầu tư có thể kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc quá trình thắt chặt tiền tệ, đặc biệt là mức tăng trong cuộc họp tháng 12 và sẽ là tin tức tích cực đối với thị trường đồng. Chi phí vay tăng chậm lại có thể giúp hoạt động sản xuất bớt gặp áp lực hơn và từ đó hỗ trợ cho giá phục hồi.

Rào cản lớn nhất vẫn là yếu tố dịch bệnh tại Trung Quốc. Quốc gia này vẫn đang tăng cường các hạn chế Covid ở một số thành phố lớn nhất, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh. Cường quốc sản xuất phía nam Quảng Châu, nơi sở hữu nhiều nhà máy sản xuất ô tô lớn đang là tâm điểm của đợt dịch lần này. Do đó, đà tăng của giá cũng sẽ hạn chế hơn khi đang di chuyển trong vùng kháng cự 3.7 USD/pound.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv