Trong phiên giao dịch sáng đầu tuần, thị trường đồng đón nhận lực mua tích cực nhờ kỳ vọng tiêu thụ cải thiện tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới và do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn. Tuy vậy, dự kiến giá có thể gặp sức ép bởi đồng USD mạnh lên khi mà xung đột leo thang tại khu vực Trung Đông.

Sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ “Tuần Lễ Vàng” kéo dài 1 tuần, thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại vào hôm nay. Dữ liệu kinh tế trong kỳ nghỉ lễ cho thấy tín hiệu tích cực, củng cố thêm quan điểm rằng Trung Quốc đang dần vượt qua “đáy”.

Cụ thể, dữ liệu chính thức chỉ ra rằng du lịch và chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ năm nay đã tăng mạnh so với năm 2022, với 826 triệu chuyến du lịch nội địa, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi tiêu tăng gần 130%. Hơn nữa, dữ liệu được công bố trước đó cũng cho thấy bức tranh kinh tế Trung Quốc có sự cải thiện, khi mà chỉ số quản lý mua hàng sản xuất đã quay lại ngưỡng mở rộng sau 6 tháng trong tháng 9. Trong khi đó, lợi nhuận công nghiệp ghi nhận mức tăng lần đầu tiên sau 1 năm. Mới đây, ngân hàng Citigroup và JPMorgan cũng đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay lên 5%.

Do vậy, những số liệu này làm tăng thêm kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi. Với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, giá đồng cũng được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, giá đồng còn được hỗ trợ khi mà các công ty khai thác đồng lớn đã đưa ra cảnh báo rằng nguồn cung đồng được dự báo sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Cụ thể, theo Financial Times đưa tin sáng nay, việc thiếu hụt các mỏ đồng mới có thể khiến thị trường đồng không có đủ nguồn cung để theo kịp quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Theo Anglo American, một trong những công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới, mức sống trung bình của người phương Tây cần 200-250 kg đồng mỗi người, cao hơn nhiều so với mức trung bình 60 kg trên toàn cầu. Trong khi đó, S&P Global đã dự báo rằng nhu cầu tiêu thụ đồng sẽ tăng gấp đôi lên 50 triệu tấn vào năm 2035, từ khoảng 25 triệu tấn vào năm 2021.

Tuy vậy, giá đồng có thể phải chịu sức ép do áp lực vĩ mô. Rủi ro địa chính trị gia tăng tại khu vực Trung Đông sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư các tài sản an toàn như đồng USD. Hơn nữa, trong bối cảnh xung đột tiếp tục leo thang, dòng chảy năng lượng trong khu vực có thể bị đe dọa và hỗ trợ cho giá dầu tiếp tục tăng cao, làm gia tăng áp lực lạm phát. Điều này đòi hỏi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Do đó, động lực tăng của đồng USD vẫn còn nhiều và giá đồng có thể phải gặp sức ép.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv