Trong phiên sáng cuối tuần, lực bán áp đảo trên thị trường đồng do lo ngại tiêu thụ phục hồi chậm tại Trung Quốc.
Sáng nay, một số ngân hàng lớn đã dạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, do loạt dữ liệu kinh tế yếu kém trong tháng 5. JPMorgan Chase, UBS Group và Standard Chartered đều đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Trung Quốc xuống 5,2 – 5,5%.
Mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn lần đầu tiên sau 10 tháng vào hôm qua, tuy nhiên, các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng việc cắt giảm lãi suất này chưa đủ để hỗ trợ kinh tế phục hồi, do niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp còn yếu.
Do đó, nền kinh tế Trung Quốc cần nhận được nhiều biện pháp ổn định tăng trưởng hơn từ Chính phủ và vẫn cần thời gian để phục hồi. Theo đó, với vai trò là thước đo sức khỏe nền kinh tế, triển vọng tiêu thụ đồng chưa rõ ràng có thể khiến giá đồng chưa thể bứt phá.
Tuy vậy, tiêu thụ đồng nhận được tín hiệu tích cực trong ngành điện của Trung Quốc. Cục Quản lý Năng lượng Năng lượng Quốc gia của Trung Quốc đã công bố sản lượng điện tiêu thụ đạt 722,2 tỷ kwh trong tháng 5, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm, sản lượng điện tiêu thụ đạt 3,53 nghìn tỷ KWH, tăng 5,2% theo năm.
Trong khi đó, đồng là một trong những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất lưới điện, dây điện, cáp điện. Nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng tích cực làm gia tăng kỳ vọng tiêu thụ đồng trong thời gian tới và là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng.
Hơn nữa, sự suy yếu của đồng USD với chỉ số Dollar Index đang ở mức mức thấp nhất trong vòng 1 tháng có thể là yếu tố hỗ trợ lực mua đồng trong phiên. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất trong tháng 6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại có động thái tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và dự báo có thể tiếp tục tăng thêm. Điều này đang củng cố sức mạnh của đồng Euro và cản trở đà tăng của chỉ số Dollar Index.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv