Giá đồng chịu áp lực bán áp đảo trong phiên sáng nay do triển vọng tiêu thụ bị lu mờ bởi lo ngại kinh tế tăng trưởng chậm tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu.
Nối tiếp dữ liệu sản xuất được công bố hôm qua, sáng nay Caixin Trung Quốc tiếp tục công bố số liệu cho thấy hoạt động dịch vụ của Trung Quốc suy yếu trong tháng 6.
Cụ thể, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) dịch vụ đã giảm xuống 53,9 điểm trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 1 khi chính quyền nước này dỡ bỏ các hạn chế COVID-19. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức 56,2 điểm mà giới phân tích dự đoán.
Có thể thấy, cả hoạt động sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đều trên đà giảm tốc trong 3 tháng của quý II. Điều này làm dấy lên lo ngại tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong giai đoạn này có thể không đạt được như kỳ vọng. Theo đó, với vai trò thước đo sức khỏe của nền kinh tế, lo ngại kinh tế tăng trưởng chậm tại Trung Quốc vẫn đang đè nặng lên triển vọng tiêu thụ đồng.
Tuy vậy, tới phiên tối, biên bản cuộc họp tháng 6 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ là yếu tố dẫn dắt thị trường. Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, nhưng các quan chức đã cảnh báo rằng chu kỳ thắt chặt của Fed vẫn chưa thể kết thúc. Phần lớn nhà đầu tư đều đang cho rằng Fed sẽ khởi động lại chu kỳ thắt chặt vào tháng 7.
Do vậy, nếu biên bản họp tối nay cho thấy các thành viên tiếp tục ủng hộ chính sách thắt chặt, giá đồng có thể gặp áp lực bán mạnh. Ngược lại, giá sẽ được hỗ trợ nếu Fed cho thấy động thái ôn hòa.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv